Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ tháng 7, sẽ tạo ra xung lực mới cho xuất khẩu những tháng cuối năm 2020 và những năm tới.
Cụ thể, theo kế hoạch, phê chuẩn Hiệp định EVFTA là một nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, khai mạc vào ngày mai, 20/5. Hiệp định sẽ được bỏ phiếu thông qua vào ngày 28/5/2020.
Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19. Cùng với Hiệp định CPTPP, việc phê chuẩn và thực thi EVFTA khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hệ thống thương mại tự do quốc tế, thúc đẩy đàm phán FTA của ta với các đối tác quan trọng khác, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam.
EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn.
Các cam kết giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU sẽ là lợi thế rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hậu dịch bệnh để khai thác thị trường 18.000 tỷ USD.
Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Theo đó, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU được kỳ vọng sẽ có những tác động tích cực, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu nhiều ngành hàng lớn đang chịu ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất và xuất nhập khẩu trên toàn cầu, EVFTA được đưa vào thực thi dự báo sẽ có ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế nước ta.
Từ phía doanh nghiệp, Hiệp định EVFTA còn được khẳng định là cứu cánh mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn này.
Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho những chuối cung ứng cũ vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ tại các thị trường truyền thống do dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh.
Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
EU hiện là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,9 tỷ USD.
Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Do vậy, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn.
Bộ Công Thương cho biết, bước sang tháng 4, tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu của Việt Nam đã bắt đầu thể hiện rõ, khi thị trường hàng hóa xuất khẩu với các nước đối tác lớn của Việt Nam đều bị sụt giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, thị trường ASEAN giảm 20% so với tháng 3/2019; Trung Quốc giảm 2,9%; Nhật Bản giảm 9,3%; Hàn Quốc giảm 13,7%; EU giảm 28,6%; Hoa Kỳ giảm 24,1%...
Tính chung, 4 tháng đầu năm 2020. xuất khẩ hàng hóa của nước ta sang thị trường EU đạt 10,75 tỷ USD, giảm 8,1%. Việc EVFTA có hiệu lực vào nửa cuối năm 2020 kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đặc biệt với những ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản...
Nguồn:Baodautu.vn