Đại dịch Covid -19: Liều thuốc thử cực mạnh đối với Doanh nghiệp
Khó khăn do tác động của Covid-19 không đếm xuể, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải vượt qua, coi đây là “liều thuốc thử” để trụ vững và bật dậy sau đại dịch.
Doanh nghiệp mới sinh ra nhỏ hơn doanh nghiệp “chết” đi
Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia cũng như trên toàn cầu. Kéo theo đó là việc giảm tổng cầu xã hội và gia tăng nạn thất nghiệp, tạo áp lực đến công tác bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm hiện ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây. 3 tháng đầu năm nay, gần một triệu lao động bị ảnh hưởng, tính tới giữa tháng 4, số lao động bị ảnh hưởng đã tăng lên gần 5 triệu người.
Khảo sát của cơ quan thống kê cũng cho thấy, gần 85% doanh nghiệp cho biết là gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Trong số này, doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn với tỷ lệ 90% tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt như: hàng không, du lịch, dịch vụ.
Trong quý 1/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn với 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Còn theo kết quả khảo sát nhanh gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh đã khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm; 82% cho rằng, doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
VCCI dự báo, nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì có tới gần 30% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và gần 10% doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Như vậy, có thể hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây, nhất là lao động kỹ năng thấp trong các ngành: dệt may, da giày, điện tử…
Căng mình vượt “bão” Covid-19
“Cơn bão” Covid-19 “càn quét” đã để lại hậu quả nặng nề, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao, điêu đứng và phải đối mặt với tình trạng phá sản. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cổ phần kết nối châu Âu Eurolink - đơn vị chuyên sản xuất thời trang đồ da cao cấp ở Hà Nội cho biết, hiện, công ty của ông không còn khả năng duy trì sản xuất do doanh thu quý 1 sụt giảm tới 80%. Việc dừng sản xuất không chỉ “phá tan” mục tiêu tăng trưởng 120% doanh thu so với năm 2019, mà khiến công ty có thể phá sản.
Từ nhiều năm nay, sản xuất và kinh doanh của Eurolink phụ thuộc hoàn toàn vào xuất nhập khẩu. Công ty thường nhập nguyên liệu 3 tháng/lần, 70-80% là nhập từ Italia, nhưng năm nay, dịch Covid-19 đã chặt đứt nguồn cung nguyên liệu từ nước này, một trong những ổ dịch lớn nhất châu Âu.
Bên cạnh sự thiếu hụt nguyên liệu, Eurolink còn đang rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Hữu Thành cho hay, hiện công ty sử dụng 15% lao động, làm việc luân phiên với các đơn hàng nhỏ trong nước. Những đơn hàng nhỏ lẻ trong bối cảnh hiện nay là không đáng kể, chỉ để duy trì hoạt động, trong khi một loạt các hợp đồng mới của Eurolink với các đối tác Nga, Đức, Thụy Điển và Hong Kong (Trung Quốc) đã bị hoãn, nhiều khả năng phải qua tháng 6 mới có thể nối lại. Để cầm cự, công ty đã xoay sở, chuyển đổi sang may khẩu trang. Công việc này cũng chỉ có thể duy trì trong một khoảng thời gian ngắn.
Với các doanh nghiệp trong ngành dệt may tình hình cũng không khá hơn. 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, trong đó khoảng 70% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và khoảng 80% doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự trong tháng 4 và tháng 5.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay - giai đoạn 1 của dịch bệnh - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề là những doanh nghiệp vừa và nhỏ - chuyên sản xuất theo đơn đặt hàng.
Đến tháng 3, khi các nhà sản xuất Trung Quốc gượng dậy và khôi phục khoảng 80% hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu thì tiếp đến giai đoạn 2 dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và châu Âu – 2 thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may điêu đứng do không thể xuất khẩu được.
Hiệp hội đưa ra giả thiết, nếu dịch bệnh kết thúc vào tháng 6 tới thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng, đồng thời sức cầu giảm có thể kéo theo giá giảm tới trên 20%.
Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, hiện tại, tình hình dịch Covid-19 tại châu Âu và Mỹ dù đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất, song các nước này vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đi lại, giãn cách xã hội, các cửa hàng bán lẻ chưa được mở cửa, dẫn đến các đơn hàng tiếp tục bị hoãn, trong khi đơn hàng mới giảm mạnh, gần như không có.
Theo khảo sát mới nhất của Liên minh các nhà sản xuất dệt may quốc tế, các đơn hàng dệt may trên thế giới ước tính doanh số năm 2020 có thể giảm 29% so với trung bình của năm trước. Đáng lưu ý, chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng.
“Liều thuốc thử” trong mùa dịch
Sau thời gian đầu “sốc phản vệ” vì dịch Covid-19, đến nay, nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm ra phương thức tối ưu để duy trì hoạt động nếu không muốn chìm sâu vào khủng hoảng hay phá sản.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch Covid-19 như một “liều thuốc thử” để biết được sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang thế nào? Mức độ phản ứng với khủng hoảng nhanh ra sao, từ đó thấy rõ được điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cả cơ hội phía trước. Thực tế, khi dịch được đẩy lên cao trào, nhiều doanh nghiệp đã thực sự hành động vì sự sống còn của mình.
Theo TS. Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới. Kịch bản lạc quan nhất được xây dựng dựa trên giả định dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa.
TS. Phạm Thế Anh lưu ý, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài, một khi thế giới chưa khống chế hoàn toàn được bệnh dịch.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội nhận định, khó khăn của các doanh nghiệp trong nước hiện nay không thể đếm xuể, khó khăn trước hết là thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất, chi phí logistics tăng cao, thậm chí có hợp đồng vận chuyển chịu mức phí tăng gấp 3 lần so với trước khi xảy ra dịch.
Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nguồn vốn do sản phẩm sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được. Dự báo, những ảnh hưởng này đến cộng đồng doanh nghiệp còn tiếp diễn ngay cả khi đã hết dịch bệnh. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp có khả năng bị phá sản nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, lý do là họ không thể bù đắp các khoản chi phí như: trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng...
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, một số doanh nghiệp mạnh hơn thì sản xuất cầm cự để duy trì bộ máy đến hết tháng 6.
“Để khắc phục những khó khăn trước mắt, phía cơ quan quản lý Nhà nước cần kích cầu những địa phương nào không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để tăng sức mua trong dân, sức mua của các tổ chức cá nhân, giúp doanh nghiệp có thể tái tạo được nguồn thu, có doanh thu thì mới có thể tiếp tục tuyển dụng lao động. Đồng thời, nên công bố những ngành nào không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh, có thể tái cơ cấu lao động sang những ngành đó để bù đắp thiếu hụt cho họ”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường lao động quý I cũng như cả năm 2020, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, sẽ thiếu hụt và dịch chuyển mạnh do nhiều doanh nghiệp đóng cửa, thu hẹp chuỗi sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp phải nhanh chóng chủ động điều tiết, tìm kiếm giải pháp thay thế lực lượng lao động để hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đình trệ. Đồng thời, phải khắc phục triệt để các yếu kém nội tại của nền kinh tế giải quyết hàng loạt các vấn đề mới phát sinh do những thay đổi từ bên ngoài sau đại dịch./.
Nguồn: https://magazine.vov.vn/20200506/doanhnghiep/index.html