Theo Báo cáo Xuất nhập khẩu năm 2019 do Bộ Công Thương vừa công bố, năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 39,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị; nông thủy sản và dệt may.
Đáng lưu ý, một số thị trường mà Việt Nam chưa có FTA như Canada và Mexico ghi nhận mức tăng mạnh ngay sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada tăng 29,9%; xuất khẩu sang Mexico tăng 27,6%.
Trong đó, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều có tăng trưởng tốt, như xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Canada tăng 21,9% so với năm 2018, xuất khẩu sang Mexico tăng 19,4%, Peru tăng 24%.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP chỉ đạt dưới 2% do chủ yếu chỉ có hai thị trường mới có FTA với Việt Nam là Canada và Mexico sử dụng mẫu C/O này.
Bởi vậy, Canada và Mexico đương nhiên có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP cao nhất trong số các nước thành viên. Cụ thể, năm qua hàng hóa xuất khẩu sang Canada được cấp C/O mẫu CPTPP đạt 314 triệu USD, chiếm tỷ lệ 8,03% so với tổng kim ngạch 3,91 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này.
Tương tự với Mexico lần lượt là 205 triệu USD, chiếm tỷ lệ 7,26% trong tổng số 2,83 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu sang Mexico.
Bộ Công Thương nhận định, do có quy tắc xuất xứ rất chặt nên hàng hóa xuất khẩu có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP tương đối thấp. Trong đó, giày dép là một trong những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng chỉ có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP ở mức 39% khi xuất khẩu sang hai thị trường Canada và Mexico.
Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP khi xuất khẩu hàng hóa sang hai thị trường Australia và New Zealand không cao, chỉ đạt lần lượt 0,05% và 0,69% do quy tắc xuất xứ CPTPP chặt hơn nhiều so với AANZFTA trong khi CPTPP mới ở giai đoạn đầu nên cam kết cắt giảm thuế quan của Australia và New Zealand trong CPTPP không bằng AANZFTA.
Một số thị trường nhập khẩu lớn đã có FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Australia, New Zealand ít sử dụng C/O mẫu CPTPP do quy tắc xuất xứ CPTPP chặt hơn và mức cắt giảm thuế quan theo cam kết trong CPTPP không bằng các FTA đã có.
Kể cả tỷ lệ sử dụng C/O mẫu CPTPP khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản chỉ là 0,22%. Tuy nhiên, việc ít sử dụng C/O mẫu CPTPP sang Nhật không có nghĩa là hàng Việt không có cơ hội được nhận ưu đãi do các doanh nghiệp có thể sử dụng 3 mẫu, gồm: AJ, VJ và CPTPP.
Được biết, trong số 20,41 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2019 sang Nhật Bản, Việt Nam đã cấp C/O ưu đãi (mẫu AJ, VJ và CPTPP) cho lượng hàng hóa trị giá 7,81 tỷ USD, tương đương tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi của 3 Hiệp định (AJCEP, VJEPA và CPTPP) là 38,28%.
Nguồn:Baodautu.vn