Việc đóng cửa tạm thời các dịch vụ không thiết yếu đã buộc các nhân viên dịch vụ vận tải, làm đẹp và giải trí phải nghỉ phép không lương hoặc mất việc hoàn toàn. Ước tính có 250.000 lao động Việt Nam bị mất việc trong quý I và 1,5 đến 2 triệu người khác có nguy cơ tương tự dưới tác động của dịch Covid-19. Hầu hết trong số này là từ ngành dệt may, giày dép, nhà hàng, khách sạn hoặc du lịch.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực lắp ráp ôtô, điện tử, sắt thép phải chịu áp lực rất lớn trong việc tái cấu trúc lực lượng lao động. Ngoài ra, nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp đã phải chịu mức tăng trưởng thấp nhất ở mức 0,08% trong quý này theo khảo sát mới nhất. Nông dân và người có thu nhập thấp hoặc hợp đồng tạm thời là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong 2 tháng đầu năm của quý I/2020, nhu cầu tuyển dụng của ngành điện tử và sản xuất tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở nước ta kể từ tháng 3, thị trường tuyển dụng đã giảm khoảng 30% đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Việc hạn chế đi lại và giãn cách xã hội cũng hoãn nhiều cơ hội việc làm mới cho người nước ngoài.