Bế tắc đầu ra, tồn kho tăng cao
Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương, quý I sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 7 năm qua. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2017, 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31-3 tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,5%; dệt may tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 122,5%.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, khi những khó khăn về nguyên liệu không còn gay gắt thì hoạt động sản xuất công nghiệp trong các quý tiếp theo dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi vấn đề sụt giảm thị trường tiêu thụ trong nước cũng như toàn cầu, đặc biệt là các thị trường Mỹ và châu Âu. Các đơn hàng mới của một số ngành xuất khẩu (XK) chủ lực trong giai đoạn từ quý II đến hết năm 2020 đang sụt giảm nghiêm trọng. “Khó khăn về thị trường XK sẽ nghiêm trọng hơn so với việc thiếu hụt nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Vừa qua, dù nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn nhưng các DN vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất do cân đối lượng nguyên phụ liệu dự trữ từ trước Tết. Tuy nhiên, nếu đơn hàng XK sụt giảm mạnh trong thời gian tới, DN sẽ không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải các chi phí, do đó sẽ không thể duy trì hoạt động”, Bộ Công Thương nhận định.
Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài nêu thực tế, đã có nhiều khách hàng lớn của Mỹ và EU đề nghị các DN dệt may, da giày Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, có trường hợp khách hàng đề nghị hủy hợp đồng đã ký...
|
Sản xuất tại Tổng công ty May 10, Hà Nội (ảnh chụp tháng 8-2019). |
Các khoản hỗ trợ phải nhanh và trúng
Sản xuất suy giảm chắc chắn sẽ tác động trực tiếp tới việc làm và đời sống của người lao động. Trong đó, chịu tác động tiêu cực lớn nhất là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may và da giày... Theo ước tính của Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, với tình hình thị trường như hiện nay, nếu tới cuối tháng 4 không có gì tiến triển, dự báo hầu hết DN ngừng hoạt động, ảnh hưởng tới khoảng 1,2 triệu lao động trong ngành.
Nói về khó khăn của ngành dệt may, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, Covid-19 đã đẩy Vinatex vào cuộc khủng hoảng chưa từng có trong suốt hơn 20 năm qua. Ngay trong tháng 4 sẽ có hơn 30% lao động của ngành dệt may thực sự thiếu việc làm. Tháng 5, tháng 6 tới đây, việc cam kết nhận hàng, tổ chức sản xuất của các khách hàng đều chưa rõ ràng nên có thể số người lao động sẽ gặp khó khăn trong tháng 5 là hơn 50%. “Ưu tiên số một của Vinatex là giữ việc làm và trả lương duy trì đời sống cho mọi lao động, bằng cách tận dụng các gói hỗ trợ từ Chính phủ, các nguồn vay ngân hàng, tìm kiếm những hợp đồng mới, cùng với đó tổ chức lại sản xuất để bảo đảm ai cũng được đi làm”, ông Lê Tiến Trường bày tỏ.
Thực tế cho thấy, ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này là phải duy trì hoạt động của các DN công nghiệp trong nước qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch bệnh, bởi việc để một DN đóng cửa vĩnh viễn sẽ phá hủy việc làm và tạo ra hiệu ứng lan tỏa tiêu cực đối với xã hội nói chung, các DN khác dọc theo chuỗi cung ứng nói riêng. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã nhanh chóng nghiên cứu và triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ DN, như thông qua việc giãn nợ, giãn thuế hay có các gói tín dụng của ngân hàng với lãi suất ưu đãi hơn… Đây là những giải pháp rất cần thiết để hỗ trợ vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ-Lâm sản Bình Định, điều quan trọng tiếp theo là làm thế nào để thực hiện các cơ chế, chính sách này nhanh và hiệu quả, bảo đảm các nguồn hỗ trợ kịp thời và đúng với các nhóm đối tượng cần hỗ trợ.
Kiến nghị miễn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 đến 6 tháng
Theo Bộ Công Thương, các ngành công nghiệp hầu hết có đặc thù đòi hỏi nhiều vốn, đầu tư ban đầu lớn, thời gian quay vòng vốn dài, vốn luân chuyển chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp so với nhiều ngành kinh tế khác. Vì vậy, để gỡ bớt một phần khó khăn cho các DN công nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính triển khai ngay các chính sách, giải pháp hỗ trợ đã được thông qua để kịp thời đến DN, đúng đối tượng. Cùng với đó, theo Bộ Công Thương, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản cho phép các DN được hoãn đóng bảo hiểm xã hội đối với các DN khi có hơn 50% lao động phải nghỉ việc. Tuy nhiên, trong thực tế, để giữ chân người lao động, các DN cố gắng không để công nhân phải nghỉ việc nên phải bố trí giãn việc, cho công nhân đi làm luân phiên. Những trường hợp như vậy sẽ không được hoãn đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội cho tất cả các DN từ 3 đến 6 tháng đầu năm 2020, không khống chế tỷ lệ phần trăm lao động phải nghỉ việc. Sau tháng 6-2020, có thể xem xét tiếp tục miễn đóng bảo hiểm xã hội nếu dịch vẫn kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thời gian tới cần triển khai 3 giải pháp cơ bản để tháo gỡ khó khăn cho các DN, bao gồm: Đẩy mạnh công tác thông quan nguyên phụ liệu nhập khẩu để kịp thời cung ứng cho sản xuất trong nước; có chính sách hỗ trợ đủ mạnh, thực chất về tín dụng, tài chính và thuế để giúp các DN bảo đảm hoạt động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội; tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước cho các ngành công nghiệp trọng điểm, trong đó chủ yếu là thị trường XK cho các ngành XK chủ lực.
Bài và ảnh: VŨ DUNG
Nguồn:qdnd.vn