Tuyên bố chung về Thực hành Mua hàng có Trách nhiệm trong đại dịch COVID-19
Giữa bối cảnh bùng nổ đại dịch Covid-19 chưa từng có trên toàn cầu, vai trò của doanh nghiệp có trách nhiệm đang ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo sự tồn tại và phục hồi sau đại dịch của cả thế giới. Đặc biệt, các thực hành mua hàng có trách nhiệm của các nhãn hàng, nhà bán lẻ và bán buôn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu sẽ tạo ra ảnh hưởng to lớn với các quyền cơ bản của hàng triệu công nhân làm việc cho các nhà cung ứng và sinh kế của gia đình họ. Đã đến lúc các doanh nghiệp toàn cầu cần giữ vững và thực thi cam kết về quyền lao động, trách nhiệm xã hội và chuỗi cung ứng bền vững.
Với tinh thần đó, chúng tôi, gồm chín hiệp hội dệt may thuộc Mạng lưới Dệt may bền vững khu vực Châu Á) từ sáu quốc gia sản xuất và xuất khẩu dệt may, kêu gọi các nhãn hàng , các nhà bán lẻ và bán buôn toàn cầu:
1. Hãy xem xét cẩn trọng tất cả các ảnh hưởng có thể lan tới người công nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ trong chuỗi cung ứng khi đưa ra các quyết định mua sắm quan trọng;
2. Hãy tuân thủ theo các điều khoản hợp đồng mua sắm, hoàn thiện các nghĩa vụ theo đó và không đàm phán lại mức giá hay điều khoản thanh toán;
3. Hãy đưa ra kế hoạch thực tế về chịu trách nhiệm cho việc chậm trễ trong giao hàng hay vận chuyển, và hàng hóa đã hoặc đang được sản xuất; tiếp tục thanh toán như đã thỏa thuận, và không hủy các đơn hàng đã xác nhận mà đang được đưa vào sản xuất;
4. Hãy đền bù một cách công bằng cho nhà cung ứng (100% FOB) nếu buộc phải tạm dừng hoặc ngừng sản xuất hay giao hàng, hoặc trả lương trực tiếp cho công nhân của các nhà cung ứng này;
5. Hãy không áp trách nhiệm lên nhà cung ứng vì chậm trễ trong giao hàng hoặc vận chuyển và không yêu cầu bồi thường với các chậm trễ này;
6. Hãy ngừng gây áp lực không phù hợp với nhà cung ứng bằng cách gia tăng chi phí, giục đơn hàng hay các chuyến khảo sát và kiểm toán không cần thiết;
7. Hãy nỗ lực tối đa và bắt tay cùng với các bên liên quan địa phương để hiểu rõ hơn về tình hình và bối cảnh địa phương;
8. Hãy luôn luôn chọn cách thức giải quyết bằng hội thoại và hợp tác nhằm đảm bảo đưa ra các giải pháp xử lý tranh chấp được cả hai bên cùng chấp nhận;
9. Hãy hỗ trợ tối đa các đối tác kinh doanh trong chuỗi cung ứng, và hướng tới chiến lược dài hạn về kinh doanh liên tục, đoàn kết chuỗi cung ứng và bền vững xã hội.
Chúng tôi đánh giá cao sự thấu hiểu, hợp tác và hỗ trợ của các đối tác kinh doanh và các bên liên quan khác, đồng thời, chúng tôi sẵn sàng làm việc và đồng hành với các công ty mua hàng có trách nhiệm toàn cầu nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng này, cùng hướng tới một tương lai tươi sáng.
Tuyên bố chung này được ký bởi (theo thứ tự bảng chữ cái):
Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA
Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA)
Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc (CNTAC)
Hiệp hội may mặc Campuchia (GMAC)
Hiệp hội Dệt may Myanmar (MGMA)
Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Pakistan (PHMA)
Hiệp hội các nhà xuất khẩu dệt may Pakistan (PTEA)
Hiệp hội các nhà sản xuất khăn tắm Pakistan (TMA)
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Các thành viên của Mạng lưới STAR (Dệt may Bền vững khu vực Châu Á)
Nguồn:Vinatex.com.vn