Kỳ I: Chủ động "nhập cuộc"
Xuất khẩu tốt hơn dự báo
Trong báo cáo chính thức của Chính phủ trình Quốc hội để phê chuẩn CPTPP, đánh giá tác động của Hiệp định chỉ ở mức vừa phải. Theo đó, dự kiến XK sang thị trường CPTPP dự kiến tăng 4,04% đến năm 2035 khi Hiệp định được đưa vào thực thi, nghĩa là một năm tăng khoảng 700 triệu USD.
Tuy nhiên, qua quá trình thực thi, Việt Nam đã tận dụng tốt hơn dự báo. Cụ thể, năm 2019, kim ngạch XK của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%; trong khi kim ngạch nhập khẩu (NK) đạt 30,1%, chỉ tăng 1%. Đặc biệt, những thị trường mới mà Việt Nam chưa từng có Hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây như Canada, Mexico cũng tăng đáng kể về XK. Điển hình, XK sang Canada tăng 28,2% và Mexico tăng 26,8%.
|
Xuất khẩu dệt may sang các nước thành viên CPTPP có sự tăng trưởng nhanh |
“Có thể thấy, tăng trưởng XK năm 2019 có sự đóng góp của thực thi CPTPP. Tất nhiên, không thể nói tất cả các con số này đều nhờ CPTPP, nhưng tôi nghĩ CPTPP có đóng góp phần nào”– ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho hay.
Được đánh giá là ngành có mức hưởng lợi cao nhất trong CPTPP, dệt may và da giày sau hơn một năm thực hiện cũng bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) - cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng tốt Hiệp định CPTPP trong việc thúc đẩy XK. Kết quả là, XK mặt hàng này đối với các nước thành viên CPTPP tăng 11%. Đặc biệt là tại các thị trường Canada và Mexico đều có sự tăng trưởng XK cao trong năm 2019.
Đối với lĩnh vực dệt may, mặc dù còn một vài “điểm nghẽn” về quy tắc xuất xứ nhưng DN cũng đã có sự chủ động “nhập cuộc”. Chẳng hạn như: Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 đã nhanh chân tìm đối tác, XK khoảng 1 tỷ USD giá trị hàng hóa vào Australia, Canada và Nhật Bản. Tổng công ty May 10 cũng đã gặp gỡ khoảng 50 nhà NK của Canada và đang phát triển mẫu mã, sản phẩm phù hợp, tiến tới ký kết hợp đồng.
“Bước đệm” cho hội nhập toàn diện
Mặc dù đạt những kết quả ban đầu, song vẫn có ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa tận dụng hết cơ hội mà CPTPP mang lại. Theo ông Lương Hoàng Thái, vấn đề này có hai mặt: Thứ nhất, chúng ta có thể tận dụng tốt hơn nữa một số khía cạnh. Thứ hai là nhiều người vẫn trông đợi CPTPP như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây, trong đó có Hoa Kỳ.
“Trong quá trình báo cáo Quốc hội để phê chuẩn Hiệp định CPTPP, chúng tôi nhận định, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định, cơ hội không lớn như trước nữa. Nhưng với chủ trương thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt chuẩn bị cho những bước cao hơn, cho nên Quốc hội vẫn quyết định phê chuẩn” - ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) - cho rằng, tác động của thể chế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong bối cảnh CPTPP đã được triển khai trong hơn 1 năm qua. Với cộng đồng DN, từ lâu đã nhìn nhận cơ hội lớn nhất từ CPTPP thực chất là áp lực hoàn thiện thể chế.
Bởi CPTPP là tiêu chuẩn, định hướng cho nhiều cải cách thể chế ở Việt Nam. Đồng thời, CPTPP cũng là sức ép cho Việt Nam cải cách, nhiều vấn đề khó như môi trường, lao động… thực chất trong quá trình đàm phán rất gần với Nghị quyết của Đảng, nhà nước.
Cụ thể, theo bà Trang, CPTPP có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Vì vậy, để thực thi CPTPP hiệu quả hơn nữa đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm: Hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP; cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và kịp thời rà soát, ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP.
Kỳ II: Khai thác lợi thế bằng tầm nhìn dài hạn