Bốn lý do để hy vọng xuất khẩu lạc quan trở lại

Mặc dù quý I-2020, Việt Nam xuất siêu 2,8 tỷ USD, nhưng thành tích này đã giảm đáng kể do khó khăn từ Covid-19.

Bộ Công Thương cho biết, quý I-2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 59,1 tỷ USD, chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng ghi nhận là 5,2%.

“Đây là mức tăng trưởng xuất khẩu trong quý I thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay”- Bộ Công Thương cho biết. Nguyên nhân tăng trưởng xuất khẩu giảm phần lớn bởi tác động của dịch Covid-19 đã khiến thị trường bị thu hẹp (trong đó thị trường chủ lực là: Trung Quốc, Mỹ, EU giảm mạnh nhập khẩu), nhu cầu tiêu dùng giảm, các biện pháp kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu ngặt nghèo hơn nên hàng hóa lưu thông chậm hơn.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào sẽ kết thúc, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới.

Theo đó, dịch Covid-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong thời gian tới. Do Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nên thị trường này phục hồi sẽ tăng cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt.

Bên cạnh đó, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước.

Mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bộ Công Thương cho biết, hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang lan rộng tại các nước này. Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ sụt giảm.

Theo Bộ Công Thương, cùng với dệt may- da giày và ngành điện tử, ngành gỗ cũng phải hứng chịu những “đòn” nặng nề từ Covid-19, bởi lẽ 50% gỗ xuất khẩu sang Mỹ, 8% sang EU. Hai thị trường này hiện đang đối mặt với dịch bệnh phức tạp nên nhu cầu sụt giảm.

Tuy vậy, Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU sẽ mang lại hy vọng mới cho ngành gỗ xuất khẩu.

Nhờ những lý do trên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại, song việc đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2020 đạt 300 tỷ USD vẫn còn là thách thức.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/