Tỷ giá tăng kỷ lục: Doanh nghiệp Việt
Lý do được chủ đầVới đà tăng mạnh trong tháng 7/2018, cùng với những dự báo không mấy khả quan trong tháng 8, tỷ giá sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp "mở cờ trong bụng", cũng như khiến nhiều đơn vị tiếp tục “khóc ròng”.
Thị trường ngoại hối đang nóng hầm hập. Giá USD gần đạt mốc 23.500 đồng/USD trên thị trường tự do. Trong năm nay, sức nóng của đồng USD được chia ra làm 2 giai đoạn: 6 tháng đầu năm và giai đoạn từ tháng 7 tới nay.
Cụ thể, đến cuối tháng 6, tỷ giá USD/VND được niêm yết phổ biến ở mức 22.920 đồng/USD (mua vào) – 22.990 đồng/USD (bán ra), tăng 255 đồng/USD, tương ứng 1,12% so với cuối năm 2017. Đây là mức tăng tương đối lớn.
Ở giai đoạn sau, đồng bạc xanh thậm chí còn nóng hơn. Đóng nửa tháng 7, tỷ giá giao dịch ở mức 23.245 đồng/USD – 23.325 đồng/USD, tăng 590 đồng/USD, tương ứng 2,49% so với cuối năm 2017.
Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá tăng mạnh như thế sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu. Tỷ giá tăng hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu.
Tỷ giá tăng cao sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu bị đẩy giá cao, ảnh hưởng đến giá cả thị trường và toàn bộ nền kinh tế, do sản xuất của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào nguyên nguyên liệu nhập khẩu.
Tỷ giá USD/VND tăng phi mã trong nhiều tháng qua không chỉ ảnh hưởng tiêu cực mà còn mang đến cả điều tích cực.
Công ty chứng khoán VNdirect nhận định, khi tỷ giá tăng mạnh, các ngành có hàm lượng xuất khẩu lớn như: thủy sản, dệt may, cao su, công nghệ thông tin... sẽ được hưởng lợi. Trong đó, đáng kể nhất chính là ngành thủy sản. Tuy nhiên, hiện tại, đa số doanh nghiệp thủy sản đều chưa công bố báo cáo tài chính quý 2/2018 nên chưa rõ tác động của tỷ giá tới lợi nhuận của các đơn vị này đến đâu.
Trong khi đó, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may đã thể hiện rõ những tác động của việc tăng tỷ giá. Điển hình như Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã chứng khoán: GIL) có báo cáo tài chính quý 2/2018 rất khả quan.
Các ngành thủy sản, dệt may, cao su, công nghệ thông tin được hưởng lợi do tỷ giá tăng cao.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của GIL đạt 64,2 tỷ đồng, tăng 15,1 tỷ đồng, tương ứng 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được là do doanh thu tăng từ 1.029 tỷ đồng lên 1.247 tỷ đồng.
Từng là một trong những cổ phiếu dệt may được nhà đầu tư quan tâm nhưng trong nhiều năm trở lại đây, cổ phiếu KMR của Công ty cổ phần Mirea tuột dốc không phanh. Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá đã góp phần không nhỏ giúp doanh thu của công ty tăng từ 204 ,4 tỷ đồng lên 242,6 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế tăng mạnh từ 5,3 tỷ đồng lên 7,6 tỷ đồng.
Công ty cổ phần FPT là gương mặt đại diện lớn nhất cho ngành công nghệ thông tin. Dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý 2 nhưng con số lợi nhuận của quý 1 lên tới 653 tỷ đồng, tăng mạnh so với 540 tỷ đồng quý 1/2017. Từ đó, có thể thấy trong quý 2/2018, FPT sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Khốn khổ vì nhập khẩu
Ở chiều ngược lại, Công ty chứng khoán VNdirect cũng nhận định, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sẽ chịu tác xấu khi tỷ giá biến động mạnh, khiến kết quả sản xuất kinh doanh đi xuống trong quý 2.
Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh vừa có báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2018 cho thấy, công ty này đang hụt hơi khi cả doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của BMP giảm từ 1.841 tỷ đồng xuống 1.831 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm từ 228 tỷ đồng xuống 226,5 tỷ đồng.
Tỷ giá tăng hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) cũng là một doanh nghiệp ngành nhựa như BMP, nhưng NTP lại “ngấm đòn” nặng hơn BMP khi lợi nhuận giảm sâu dù doanh thu ít biến động. Nguyên nhân là do giá nhập nguyên liệu đầu vào tăng quá cao.
Cụ thể, trong khi doanh thu gần như đứng im, giá vốn hàng bán 6 tháng đầu năm 2018 lại tăng từ 1.349 tỷ đồng lên 1.428 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế giảm 52 tỷ đồng, tương ứng 25,7% xuống 150 tỷ đồng.
Công ty cổ phần công nghiệp cao su Miền Nam (CSM) cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề và một trong số đó là tỷ giá. Giá đồng USD tăng cao đã góp một phần không nhỏ khiến lãi lợi nhuận của công ty lao dốc.
Là doanh nghiệp lớn trong sản xuất săm lốp nên CSM phải nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu. Vì vậy, CSM là một trong những đơn vị “khóc” nhiều nhất khi tỷ giá tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế của CSM 6 tháng đầu năm chỉ còn 9,9 tỷ đồng, giảm 37,4 tỷ đồng, tương ứng 79,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá tăng 1,12% đã nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, với đà tăng mạnh trong tháng 7/2018, cộng với những dự báo không mấy khả quan trong tháng 8, tỷ giá sẽ tiếp tục là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp "mở cờ trong bụng", cũng như khiến nhiều đơn vị tiếp tục “khóc ròng” trong quý 3 năm nay.
Nguồn: vtc.vn