Rào cản là áp lực để doanh nghiệp thay đổi, mạnh lên
TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế - nhận định: Khi EVFTA chính thức có hiệu lực thì lợi thế xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn của EU được mở ra. Khi hội nhập kinh tế quốc tế, không nên nghĩ các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu, phải xem rào cản là áp lực để doanh nghiệp tự thay đổi và mạnh lên.
EVFTA mở ra cơ hội lớn
PV: Theo ông, thời điểm nào Việt Nam có thể bắt đầu tận dụng cơ hội từ EVFTA cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU?
TS Lê Đăng Doanh: Ngày 30-6-2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất, cao nhất mà Việt Nam ký với các nước. Sau bước ký kết, hai hiệp định sẽ phải trải qua quá trình phê chuẩn nội bộ ở EU và Việt Nam để có thể chính thức có hiệu lực. Tháng 5-2020, Quốc hội Việt Nam sẽ họp để thông qua. Phía EU cũng có những điều khoản mà 27 nghị viện thành viên của các nước EU thông qua. Có nhiều điều khoản sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua thì khoảng tháng 6, tháng 7, chúng ta bắt đầu hưởng những lợi thế.
Tôi nhận thấy, EVFTA sẽ có lợi cho cả hai nền kinh tế. Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho chúng ta trong các hiệp định thương mại đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực. GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỉ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035. Việc thực thi EVFTA sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025. |
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch nhập khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
PV: Khi EVFTA chính thức có hiệu lực, ngành hàng nào của Việt Nam có cơ hội nhiều nhất khi xuất khẩu vào thị trường EU, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: EU và Việt Nam là hai nền kinh tế bổ sung, hỗ trợ cho nhau, ít cạnh tranh với nhau. Thế mạnh của Việt Nam là dệt may, trái cây nhiệt đới, thế mạnh của EU là máy bay Airbus, dược phẩm. Điều đáng nói, khi EVFTA chính thức có hiệu lực, lợi thế xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường rộng lớn của khối EU được mở ra. EU là khối kinh tế gồm 27 nước, lớn thứ hai thế giới, với 500 triệu dân, GDP 18.000 tỉ USD. Dự báo, một số sản phẩm như dệt may, giày dép, nông sản, hải sản được hưởng lợi nhiều nhất do thuế suất nhập khẩu được đưa về 0%.
Đối với mặt hàng nông sản, Việt Nam có lợi thế với nông sản nhiệt đới mà EU không sản xuất được như về trái cây có sầu riêng, xoài... Những trái cây này vào thị trường EU rất thuận lợi. Thủy sản cũng là lợi thế của Việt Nam. Đây chính là lý do mà kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU chiếm đến 15,3% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Ngoài nông, lâm, thủy sản, ngành dệt may và da giày cũng là một trong những ngành có nhiều lợi thế xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực. Theo tính toán, hàng dệt may đang phải chịu thuế 7-17%; khi thuế về 0%, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỉ USD năm 2023 và 5,82 tỉ USD năm 2028.
|
Thủy sản xuất khẩu sang EU được dự báo hưởng nhiều lợi thế từ EVFTA |
Rào cản chỉ làm doanh nghiệp mạnh lên
PV: Như ông chia sẻ, lợi ích và cơ hội cho ngành nông nghiệp rất lớn khi EVFTA có hiệu lực. Vậy theo ông, nông nghiệp Việt cần đáp ứng những yêu cầu gì?
TS Lê Đăng Doanh: Thuế suất nhập khẩu giảm mạnh tại thị trường EU sẽ là cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Để hoạt động thương mại thuận lợi hơn, Việt Nam đã cam kết về sở hữu trí tuệ, bao gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Cụ thể, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm. Đây chính là điều kiện tốt cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam khẳng định thương hiệu và vị thế tại thị trường EU.
Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn cắt may chứ chưa sản xuất nguyên liệu vải và sợi. Đáp ứng quy tắc xuất xứ của vải đầu vào là khâu yếu của dệt may Việt Nam khi phải nhập đến 80% vải cho hàng may xuất khẩu, 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan... |
Mặc dù Việt Nam nỗ lực nâng cao chất lượng, bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn cho sản phẩm xuất khẩu, song phía EU cũng đưa ra hàng loạt các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, buộc nhà xuất khẩu phải bảo đảm chất lượng hàng hóa. Đơn cử, EU quy định mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRLs) được sử dụng trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Đối với các sản phẩm rau quả tươi, doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về MRLs và ngăn ngừa tình trạng nhiễm vi khuẩn, đó là những điều kiện tiên quyết khi muốn thâm nhập thị trường EU.
Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, rào cản kỹ thuật cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm đã được cam kết trong EVFTA. Bên cạnh đó, để sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường EU, nông dân phải chuyển hướng sang canh tác bền vững, đạt chứng nhận quốc tế. Doanh nghiệp nông nghiệp trong nước có thể hợp tác với các doanh nghiệp EU bằng cách mời họ cùng hợp tác, canh tác, sau đó tham gia vào chuỗi giá trị thông qua sự phối hợp, kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối tại EU, từ đó làm gia tăng giá trị nông sản xuất khẩu.
PV: Bên cạnh những lợi thế cho ngành nông nghiệp, EVFTA cũng là tín hiệu vui cho doanh nghiệp các ngành khác, bao gồm cả ngành dệt may, da giày. Ông có nghĩ rằng, dệt may và da giày có thể đáp ứng đủ những yêu cầu mà EU đưa ra hay không?
TS Lê Đăng Doanh: Cơ hội cho sản phẩm dệt may, da giày ở thị trường EU rất lớn. Thế nhưng, xuất xứ nguyên liệu vẫn là điều khó đối với các mặt hàng dệt may, da giày xuất khẩu.
|
Xuất xứ nguyên liệu là một trong những rào cản lớn với ngành dệt may khi xuất khẩu sang EU |
Đối với sản phẩm dệt may, EU đòi hỏi đầu vào phải từ vải có hàm lượng tối thiểu của nước xuất khẩu. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn cắt may chứ chưa sản xuất nguyên liệu vải và sợi. Đáp ứng quy tắc xuất xứ của vải đầu vào là khâu yếu của dệt may Việt Nam khi phải nhập đến 80% vải cho hàng may xuất khẩu, 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan... Lo ngại ở chỗ, Trung Quốc và Đài Loan không tham gia các hiệp định thương mại lớn. Điều này có nghĩa, nếu duy trì tình trạng nhập khẩu vải nhiều, Việt Nam không tận dụng được ưu đãi về thuế quan.
Nhằm giải quyết bài toán nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày, doanh nghiệp cần chuyển hướng sang sử dụng vải của mình hoặc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên EU để đáp ứng các yêu cầu xuất xứ hàng hóa. Chúng ta buộc phải cải cách, vươn lên và đầu tư vào các sản phẩm dệt để sản xuất ra vải nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU chứ không thể phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc. Cái khó hiện nay là nguyên phụ liệu của Trung Quốc bán với giá rất rẻ. Họ bán hàng giá rẻ vì có nhiều lý do. Theo đó, doanh nghiệp được Chính phủ trợ cấp rất lớn. Tôi đã đến thăm doanh nghiệp Trung Quốc cung ứng nguyên liệu ra thị trường thì thấy rõ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Doanh nghiệp đầu tư máy móc được Nhà nước trợ cấp 40%, mời nhà khoa học về tư vấn chiến lược phát triển được Nhà nước nuôi và trả lương rất hậu, doanh nghiệp không phải trả gì cả...
Tương tự đối với dệt may và da giày, đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ muốn xuất khẩu tốt vào thị trường EU cũng cần bảo đảm nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu. Việt Nam rất giỏi làm đồ thủ công mỹ nghệ và có thể làm đẹp những sản phẩm gỗ của thời Vua Louis thứ 16, Louis thứ 14. Các sản phẩm này được người tiêu dùng EU ưa chuộng. Tuy nhiên, để được thị trường EU chấp nhận thì nhà xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc gỗ của Việt Nam, Lào hay Campuchia, đồng thời phải chứng minh đó là gỗ của rừng trồng chứ không phải gỗ khai thác từ rừng tự nhiên.
|
Trái cây nhiệt đới có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang EU |
Đồ gỗ, đồ thủ công mỹ nghệ muốn xuất khẩu tốt vào thị trường EU cần bảo đảm nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu. Để được thị trường EU chấp nhận, nhà xuất khẩu phải chứng minh được nguồn gốc gỗ của Việt Nam, Lào hay Campuchia, đồng thời phải chứng minh đó là gỗ của rừng trồng chứ không phải gỗ khai thác từ rừng tự nhiên. |
PV: Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần có những thay đổi gì, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế thì phải sống cùng quốc tế. Không nên nghĩ rằng, các quy định nghiêm ngặt về chất lượng, tiêu chuẩn, môi trường trở thành rào cản hạn chế xuất khẩu. Như tôi đã nói, EU áp dụng rất nhiều quy định đối với hàng nhập khẩu của các nước chứ không riêng hàng nhập khẩu của Việt Nam. Doanh nghiệp phải xem đây là áp lực để tự thay đổi, tự lớn mạnh lên. Rào cản thương mại chỉ làm doanh nghiệp mạnh lên chứ không hề yếu đi. Có thể những quy định của EU chúng ta khó đáp ứng được ngay nhưng sau đó sẽ làm được.
Xuất phát từ thực tiễn môi trường pháp lý trong nước có ảnh hưởng lớn đến thương mại, EVFTA dành một chương riêng về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để bảo đảm một môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tôi nghĩ rằng, khó khăn là thách thức nhưng không có hại. EVFTA là hiệp định thương mại tự do có mức cam kết cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam từng ký kết, mở ra cơ hội to lớn cho thương mại và cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hãy cùng nhìn về phía trước để tự thay đổi chính mình và mạnh mẽ tiến lên.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguồn:Petrolimex.vn