DN tìm giải pháp ứng phó chuỗi giá trị bị gián đoạn do dịch Covid-19
Dịch bệnh Covid-19 đang làm kinh tế của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung bị thiệt hại nhiều mặt, trong đó chuỗi giá trị bị suy giảm, nguy cơ đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các DN tái cơ cấu sản xuất, thị trường, tìm kiếm đối tác mới, nguồn cung nguyên phụ liệu mới.
Các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh nghiệp khó khăn
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều ngành hàng của TP. Hồ Chí Minh, từ dệt may, thương mại, du lịch… đến Minh đến sản xuất công nghiệp đều gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị đứt gãy. Nhiều DN đang bị thiệt hại về nhiều mặt, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác...
|
Chuỗi giá trị bị suy giảm, đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc khi có dịch bệnh Covid-19 |
Theo ghi nhận, Các DN ở TP. Hồ Chí Minh hết sức lo ngại khi tính hình dịch bệnh vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh càng lớn. Mối lo ngại này xuất phát từ thực tế Trung Quốc đã chuyển mình từ "công xưởng" sản xuất giá rẻ trở thành trung tâm chế tạo giá trị cao của thế giới, kết nối tới 40% chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, hiện Trung Quốc là một trong hai thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động giao lưu thương mại khi hàng nghìn xe hàng hóa đang xếp hàng đợi thông quan tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc.
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá, dịch bệnh Covid -19 đang làm kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nhiều mặt, nhất là các ngành hàng xuất nhập khẩu, dệt may, cơ khí, du lịch, hàng không… Chuỗi giá trị bị đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc nay gián đoạn.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) - cho biết, các DN thành viên trong Hội DN HVNCLC cũng gặp khó khăn như: dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện và một số DN lĩnh vực chế biến… vì thiếu nguyên liệu.
|
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chia sẻ thông tin với doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh về tác động của dich Covid-19 tới kinh tế thế giới và Việt Nam |
Trong khi đó, nhiều DN cho hay, dịch Covid-19 lan sang nhiều nước khiến các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm quốc tế... vốn là nơi DN tìm kiếm đơn hàng, đối tác cho cả năm đã bị hủy bỏ. Tác động từ dịch bệnh không chỉ là thiếu nguyên liệu, đơn hàng cho sản xuất mà cả đầu ra cũng ảnh hưởng khi nhu cầu trên thị trường sụt giảm mạnh.
Nhiều giải pháp ứng phó
Nhằm hạn chế khó khăn, tác động từ dịch bệnh Covid-19, trong những ngày gần đây, nhiều tỉnh thành, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan có chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Trong khi chờ đợi chính sách hỗ trợ của nhà nước, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị DN cần đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tránh "bỏ trứng vào một giỏ", phụ thuộc vào một thị trường và một đối tác. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây là thời điểm để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ.
|
Doanh nghiệp ô tô đang đứng trước nguy cơ thiếu linh kiện lắp ráp xe nếu dịch Covid-19 kéo dài |
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, hiện Vinamit và các DN cùng ngành hàng đang xây dựng kịch bản để ứng phó dịch. Một trong những giải pháp hỗ trợ DN duy trì ổn định thị trường và không giẫm chân nhau là đẩy mạnh liên kết ngành. Trong đó, phải thống nhất vai trò của từng đối tượng, từng khâu, tránh cạnh tranh không lành mạnh để tăng hiệu quả liên kết và phát triển bền vững trong chuỗi cung - cầu.
Để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cộng đồng DN như hoãn giãn nộp thuế thu nhập DN, ngân hàng giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ… Bản thân các DN cũng cần đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tìm kiếm đối tác mới, nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tránh quá phụ thuộc và một thị trường, đối tác…
Hiện DN Việt Nam đang có nhiều cơ hội tốt mở rộng thị trường… khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) mới đây được Nghị viện châu Âu thông qua. Do đây là hiệp định có mức cam kết cao nhất Việt Nam từng ký kết, mở ra cơ hội to lớn cho thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách thể chế.
TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, Hiệp định EVFTA là bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, do đó DN nên nắm vững những nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ của DN, phân tích cơ hội, thách thức. Hiệp định là cơ hội lớn đối với nhóm nông sản, lâm sản, thủy sản nhiệt đới Việt Nam như gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm, trái cây, cao su, tiêu, điều, cà phê, đồ gỗ... do được hưởng ưu đãi ngay từ những năm đầu tiên. Vì vậy, DN cần nghiên cứu xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và hợp tác với các đối tác EU, tham gia chuỗi giá trị, tiến tới hợp tác dài hạn ổn định.
Về góc độ địa phương, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh - cho biết, nhằm ứng phó với dịch Covid-19, đã yêu cầu Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ DN tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng, mở rộng thị trường và nguồn cung ứng nguyên phụ liệu mới…
Nguồn:Baocongthuong.vn