Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA: Việt Nam hưởng lợi gì?

Dự kiến, ngày hôm nay (12/2), Nghị viện châu Âu sẽ bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Nếu được phê chuẩn, 2 hiệp định này sẽ tạo cơ hội cho DN Việt Nam mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức mà DN Việt phải đối mặt trong quá trình thực thi hiệp định EVFTA và IPA.

Kỳ vọng những cơ hội chưa từng có
Theo Bộ Công Thương, việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và IPA sẽ là đòn bẩy cho tăng trưởng và mở ra cơ hội lớn cho DN thâm nhập vào thị trường EU với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.
Nhận định về lợi ích mà 2 hiệp định mang lại cho kinh tế Việt Nam trong tương lai, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho rằng: EVFTA là hiệp định có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng XK cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng XK Việt Nam.
Theo đó, đối với XK ngay sau khi các hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch XK của Việt Nam sang EU; sau 7 năm hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 99,2% dòng thuế áp dụng cho hàng XK Việt Nam. “Lộ trình giảm thuế của Hiệp định EVFTA và IPA là cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới hiện nay mà Việt Nam đã ký kết” - ông Thái khẳng định.
Do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn. Điều này sẽ giúp Việt Nam tránh bị lệ thuộc vào 1 vài thị trường truyền thống.
Các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà hiện EU vẫn đang duy trì thuế quan cao như dệt may, giày dép và hàng nông sản. Về nhập khẩu, các DN Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.
Chủ tịch Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế - IDE, PGS.TS Đặng Văn Thanh
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết thêm: Hiện EU là đối tác XK lớn thứ 2 của DN Việt Nam, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với thị trường châu Âu, nếu hiệp định EVFTA được phê duyệt sẽ giúp kim ngạch XK Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với thời điểm hiệp định chưa được ký kết. Trong đó, nhiều mặt hàng sẽ có kim ngạch XK tăng cao.
Cụ thể, đến năm 2025 nhóm ngành hàng nông sản như: Kim ngạch XK gạo sẽ tăng thêm 65%; đường 8%; thịt lợn, lâm sản, thịt gia súc gia cầm, đồ uống và thuốc lá… sẽ tăng từ 3 - 5%. Đặc biệt một số nhóm ngành hàng như: Dệt may, da giầy, vận tải hàng không, vận tải thủy sẽ đạt mức tăng trưởng kỷ lục từ 67 - 141%. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019 - 2023 và 4,57 - 5,30% giai đoạn 2024 - 2028 tiếp đến là 7,07 - 7,72% giai đoạn 2029 - 2033.
Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định EVFTA điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác như mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm của các cơ quan Chính phủ; thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ… sẽ giúp Việt Nam thu hút công nghệ, vốn để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành mũi nhọn.
Tại Hội thảo “Đối thoại về Hiệp định EVFTA và IPA: Cơ hội cho DN” do Bộ Công Thương và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định: DN kỳ vọng rất nhiều vào những cơ hội chưa từng có từ hai Hiệp định kết nối Việt Nam với EU – đối tác thương mại chiếm xấp xỉ 20% tổng kim ngạch XK và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ngoài khu vực châu Á tại Việt Nam.
EVFTA và IPA toàn diện và tiêu chuẩn cao với một đối tác phát triển như EU sẽ tạo ra sức ép tốt để cải thiện môi trường kinh doanh và thể chế kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường, tôn trọng cạnh tranh và quyền tự do kinh doanh, bảo hộ hợp lý tài sản của nhà đầu tư. Đây là điều mà hơn 70.000 DN Việt Nam luôn mong đợi” - ông Lộc nhấn mạnh.
Thách thức còn đó
Cùng với các cơ hội, việc thực thi Hiệp định EVFTA cũng đặt ra không ít thách thức với DN Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích: Mặc dù EU là thị trường lớn nhưng cũng rất khó tính, luôn đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Đồng thời EU cũng có những yêu cầu bắt buộc về vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... rất khắt khe và DN Việt Nam không dễ đáp ứng. Hiện mặt hàng nông sản Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên đa phần chỉ đảm bảo về sản lượng nhưng chất lượng chưa đạt yêu cầu dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản này.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang lưu ý: Để được hưởng lợi theo quy định, các sản phẩm dệt may XK phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ. Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế phải sử dụng nguyên liệu và được cắt may tại Việt Nam hoặc EU trong khi phần lớn các DN Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi. Đặc biệt nguyên liệu vải mà DN dệt may Việt sử dụng đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan vốn chưa có hiệp định FTA với EU. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ đối với ngành may mặc.
Trong khi đó, thành viên Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHARM),FlorianJ Beranek phân tích: Việc mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa, dịch vụ từ EU đồng nghĩa với việc DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn hơn ngay tại thị trường nội địa. Trên thực tế, đây là một thách thức rất lớn, bởi các DN EU có lợi thế hơn hẳn DN Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như khả năng tận dụng các FTA.
Ngoài ra, EU còn có nhiều rào cản về kỹ thuật thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đối với các sản phẩm nhập khẩu. Tiếp đó là các cam kết tại nhiều lĩnh vực mới trong EVFTA cũng đặt ra yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật.
Thực tế hoạt động XK hàng hóa sang EU cho thấy đây là một trong những thị trường có đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Việc bước qua được các rào cản thuế quan không có nghĩa là hàng hóa và dịch vụ Việt Nam sẽ được thị trường này chấp nhận.
Chính vì vậy, DN và các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm tìm ra những yếu kém đang gặp phải từ đó xây dựng giải pháp khắc phục từ đó tận dụng tốt các cơ hội do EVFTA đem lại.
Nguồn:Kinhtedothi.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/