|
Công nghệ sản xuất ngành dệt may được nâng cao |
Ngành dệt may Việt Nam hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 3 triệu người lao động, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, tạo chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là vùng nông thôn. Công nghệ sản xuất ngành dệt may có sự phân hóa rõ rệt. Hiện nay, ngành may có khoảng trên 90% máy móc, thiết bị được đổi mới; trong đó, khoảng 40% máy móc chất lượng cao, tự động hóa. Ngược lại, trình độ công nghệ của ngành dệt chỉ được đánh giá ở mức trung bình; nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ đã được nhập trên 15 năm, chất lượng xuống cấp và năng suất thấp, tiêu thụ điện năng lớn. Đây chính là những yếu tố dẫn đến giảm hiệu suất ngành dệt may.
Cùng với đó, trong khoảng 3 triệu lao động làm việc trong ngành dệt may, chỉ hơn 25% được đào tạo, khoảng 75% chưa qua đào tạo nên không đáp ứng được hết yêu cầu công việc. Trong tương lai, rất nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may sẽ được sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao… thay cho sức lao động của con người.
Thông tin tại Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và tổng kết công tác năm 2019 của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may cần tạo ra thương hiệu mang tầm quốc tế. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu, ngành cần chú trọng phát triển thị trường trong nước với dân số đạt gần 100 triệu dân, nhất là khi tầng lớp trung lưu đang có xu hướng ngày càng tăng. Để có thể đạt được kỳ vọng của Thủ tướng, ngành dệt may cần chủ động nắm bắt công nghệ tiên tiến, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tận dụng hiệu quả những thành tựu của CMCN 4.0 và các FTA đem lại.
Căn cứ vào tiềm năng và lợi thế phát triển, ngành dệt may Việt Nam cần xác định những giải pháp khoa học - công nghệ, đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Nắm bắt xu hướng, tốc độ phát triển của CMCN 4.0 để thích nghi với tiến bộ của thế giới. Việc mua sắm công nghệ, thiết bị cần phù hợp với nguồn lực của doanh nghiệp. Không hiện đại hóa, số hóa bằng mọi giá, tránh công nghệ mới nhưng không có cán bộ đủ trình độ để khai thác hiệu quả. Đẩy mạnh các hoạt động sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường… VITAS tiếp tục đóng vai trò là cầu nối để triển khai các chương trình chuyển giao công nghệ của viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiếp tục phối hợp thực hiện các chương trình tiết kiệm nước, điện, phát thải thấp; hợp tác công - tư nâng cao năng suất; phát triển bền vững các tổ chức quốc tế...
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (VIOIT) đang thực hiện Đề án "Rà soát, xây dựng lộ trình về đổi mới và hiện đại hóa công nghệ ngành công nghiệp dệt may". Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, công nghệ của ngành cơ bản đạt mức tiên tiến so với các quốc gia trong khu vực; đến năm 2030, hầu hết các doanh nghiệp làm chủ được công nghệ sản xuất, về cơ bản loại bỏ hoàn toàn thiết bị lạc hậu.
Nguồn:Congthuong.vn
|