Một trong những thành công của Việt Nam về hội nhập trong thời gian qua là ký được các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là cácFTAthế hệ mới chất lượng cao mà Việt Nam chủ động tham gia.
TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhận định, quá trình hội nhập đóng góp vào tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian dài và duy trì đến nay. Đã có một số thay đổi tích cực về xuất khẩu, nhập khẩu với các đối tác quan trọng hàng đầu là Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, ông Thắng đánh giá, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam từ 2012 đến nay nhìn chung không có gì thay đổi. Nếu nói mục tiêu ký FTA là đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu để tránh rủi ro khi tập trung vào một vài thị trường thì các FTA đang không giúp Việt Nam làm điều đó.
Việc cho rằng FTA mang lại những thay đổi tích cực về tốc độ tăng trưởng thương mại, theo ông Thắng, cũng là một nhận định chưa đầy đủ. Chẳng hạn,kim ngạch xuất khẩucủa ngành da dày và dệt may tăng thêm nhưng trong đó một phần lớn là do chuyển hướng thị trường. Cụ thể, thay vì xuất khẩu sang các thị trường có quy mô nhỏ thì tập trung xuất khẩu sang EU.
“Với các hiệp định nhưEVFTAvà CPTPP thì tác động chuyển hướng tương đối cao. Cho nên, việc tạo thêm thương mại sẽ không quá nhiều như những con số chúng ta thường nghe”, ông Thắng khẳng định.
Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước trong ASEAN đều ký rất nhiều hiệp định FTA khiến cho tác động của FTA đến một nước cụ thể dần bị trung hoà. Nếu thuế suất giảm giữa hai bên thì còn có tác động mạnh nhưng “nếu ai cũng giảm thì không có tác động gì nữa”. Do đó, ông Thắng cho rằng không quá kỳ vọng về tác động của FTA.
Đại diện NCIF cũng nhìn nhận, không chỉ điều chỉnh câu chuyện trao đổi thương mại mà còn liên quan đến việc sản xuất hàng hoá để trao đổi như thế nào. Như vậy sẽ tác động mạnh đến nền tảng sản xuất của các quốc gia.
Thuế quan sẽ giảm xuống gần 0% vào 2030, chi phí thương mại giảm đi nhiều, các chi phí phi thuế quan cũng được cắt giảm tương đối. Trong CPTPP (không có Mỹ), các đối tác chính là Nhật, Malaysia và Singapore đều đã có hiệp định thương mại hoặc song phương hoặc đa phương với Việt Nam; do đó tác động của CPTPP sẽ không còn lớn. Sự kỳ vọng giờ đây sẽ được chuyển sang các thị trường mới.
Lợi ích ít như vậy tại sao vẫn tham gia?
Theo ông Thắng, nếu không tham gia các hiệp định như CPTPP thì không những không đạt được lợi ích mà có thể gây thiệt hại đến tăng trưởng.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF). Ảnh: Lan Hạ
Thứ hai là vẫn có những tác động tới đầu tư mặc dù hiện nay vẫn chưa có mô hình cụ thể để đánh giá. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết có hai góc độ tác động: kỳ vọng về xuất khẩu khi có thể mở cửa tiếp cận các thị trường và đối tác để thu hút đầu tư; cải thiện tỷ lệ xuất xứ để được ưu đãi thuế quan. Với góc độ thứ hai, sẽ có nhiều doanh nghiệp FDI nhảy vào các ngành thượng nguồn để tận dụng lợi thế của FTA.
FDI của Trung Quốc và Việt Nam thời gian vừa rồi thay đổi từ bất động sản và các ngành khác sang ngành thượng nguồn do các FTA ảnh hưởng đến tỷ lệ xuất xứ, nhờ đó cải thiện được bức tranh về xuất khẩu.
Có thể thấy, do tăng trưởng các ngành nên có thể tạo ra việc làm và những ngành tận dụng lao động như dệt may, da dày vẫn còn lợi thế. Chi phí nhân công của Việt Nam tương đối thấp cũng là một lợi thế, tuy nhiên sẽ nhanh chóng thay đổi do tốc độ tăng lương của Việt Nam tương đối cao.
Mặc dù con số đăng ký FDI chín tháng đầu năm chưa nói lên xu hướng tác động của CPTPP nhưng cũng cho thấy một số thông tin thú vị là tổng tỷ trọng của khu vực CPTPP đầu tư vào Việt Nam đang giảm trong tổng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nghĩa là đang diễn ra câu chuyện dịch chuyển dòng đầu tư từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; cụ thể, đầu tư vào Việt Nam đang tăng dần trong tỷ trọng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia này. Đầu tư của các nước trước đây nhỏ thì nay đang tăng nhanh như Úc, Brunei, New Zealand. Dù vậy, ông Thắng cho rằng phải sau ba năm mới có thể đánh giá được tác động của FTA đến FDI.
Với EVFTA thì sẽ liên quan đến kỳ vọng bổ sung lẫn nhau giữa hai thị trường. Nếu không tính đến các sản phẩm điện thoại và linh kiện, điện tử thì Việt Nam chủ yếu xuất sang EU các sản phẩm thô, chỉ là mang tính tài nguyên, thâm dụng lao động.
Ông Thắng nhìn nhận, một FTA thông thường sẽ tác động đến nền kinh tế của một quốc gia ở bốn mảng.
Thứ nhất, chi phí thương mại giảm xuống do thuế quan giảm xuống, dẫn đến tăng trưởng thương mại xuất nhập khẩu giữa các bên tham gia ký kết mặc dù điều này cũng có thể do chuyển hướng thương mại.
Thứ hai là tác động về đầu tư. Mặc dù không đánh giá được theo định lượng nhưng đây cũng là một tác động không thể bỏ qua vì nhà đầu tư nhìn FTA như cơ hội cho cả tăng trưởng và thị trường. Mặc dù thương mại và đầu tư tác động ngược nhau nhưng với bản chất sản xuất hiện nay, ông Thắng cho rằng FTA về thương mại có thể kéo theo tăng trưởng về đầu tư.
Thứ ba là câu chuyện công nghệ. Nhiều người kỳ vọng FTA mang lại sức ép đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước cũng như cơ hội chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, một điểm tiêu cực là việc bắt chước công nghệ sẽ trở nên rất hạn chế, không dễ dàng.
Thứ tư, các FTA sẽ có tác động đến việc đổi mới thể chế về năng lực cạnh tranh, môi trường, lao động…Tác động về thể chế cũng được kỳ vọng mang lại tăng trưởng về kinh tế cho các bên.
Hiện nay , Việt Nam đã ký kết nhiều FTA và EVFTA được kỳ vọng sẽ có hiệu lực từ giữa năm sau. Trong giai đoạn tới, câu chuyện Việt Nam cần tập trung, theo ông Thắng, là không phải đi tìm và ký thêm FTA với các thị trường mới mà là tận dụng các thị trường hiện có như thế nào. Đặc biệt là cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, cải thiện tỷ lệ xuất xứ thông qua nâng cao năng lực các doanh nghiệp phụ trợ. Đây là một thách thức lớn.