“Mở khóa” ưu đãi thuế quan các FTA
Ngay sau khi hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết cuối tháng 6, nhiều hội nghị đã được tổ chức để phân tích cơ hội, thách thức cho từng ngành hàng của Việt Nam. Song cũng có ý kiến băn khoăn về khả năng “mở khóa” những ưu đãi từ FTA nói chung, EVFTA nói riêng của DN trong nước cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý.
Giấc mơ FTA
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 16 FTA song phương và đa phương, trong đó có 12 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực là EVFTA, 3 FTA đang đàm phán. Điều đáng nói, những FTA này đều được kỳ vọng mở thêm cánh cửa xuất khẩu vào thị trường đối tác. Vì thế, không ít thành viên của các đoàn đàm phán tại nhiều hội thảo, hội nghị đã chia sẻ đang rất nỗ lực để có thể mở khóa, tức tận dụng các ưu đãi thuế quan, nhằm mang lại nhiều lợi ích nhất có thể cho DN xuất khẩu.
Thách thức trong việc tận dụng ưu đãi của FTA do các quy tắc xuất xứ quá khó, việc gia tăng các hàng rào kỹ thuật, DN thiếu thông tin về các cam kết và cách thực hiện, nhất là năng lực cạnh tranh của DN Việt còn yếu so với đối tác trong các FTA. Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) |
Theo đại diện Trung tâm WTO và hội nhập, nhiều năm qua chúng ta mới tận dụng được ưu đãi của các FTA khoảng 30-40%. Đã có những FTA thời gian đầu DN tận dụng tốt, nhưng vài năm sau tỷ lệ này giảm dần. Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của DN Việt khi xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm từ 31% năm 2016 xuống 26% năm 2017. Tương tự, tỷ lệ tận dụng ưu đãi để xuất khẩu sang Hàn Quốc giảm từ 56% xuống 51%...
Ngay như CPTPP, một hiệp định vốn rất được quan tâm, nhưng đến nay sau 10 tháng có hiệu lực tỷ lệ tận dụng vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 1,17% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên CPTPP. Thậm chí ngành dệt may, một trong những ngành được kỳ vọng chỉ tận dụng được 0,03%. Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo tình hình triển khai CPTPP và kiến nghị giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang Australia thời gian tới. Theo Bộ Công Thương mới có 1% C/O mẫu CPTPP cấp cho thị trường này, trong khi Australia cam kết xóa bảo hộ thuế quan với 93% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Trao đổi với ĐTTC về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, cho rằng để tận dụng được ưu đãi của FTA phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, DN phải biết được FTA mở ra cơ hội như thế nào thông qua việc tìm hiểu các cam kết. Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước phải sẵn sàng cơ chế, bộ máy, con người cho thực thi cam kết. Thứ ba, phải có năng lực cạnh tranh tốt mới tận dụng được cơ hội. Trong khi đó, nhiều DN vẫn chưa chủ động tìm kiếm thông tin các cam kết của FTA, hoặc chưa được hướng dẫn cụ thể.
Ngành dệt may là một trong những ngành thích ứng với các FTA, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn chưa tận dụng được lợi thế. Ảnh: LONG THANH
Bên cạnh đó, thể chế, bộ máy của chúng ta dường như chưa sẵn sàng cho việc thực thi cam kết. Thí dụ, CPTPP đã có hiệu lực từ tháng 1-2019, nhưng đến tháng 6 các luật sở hữu trí tuệ, kinh doanh bảo hiểm mới được sửa đổi. Ngay cả văn bản cấp Chính phủ về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi theo CPTPP, chìa khóa để thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan cũng phải đợi tới cuối tháng 6 mới được ban hành. Trong khi đây đều là các trường hợp được xác định phải sửa ngay, ban hành theo cam kết CPTPP.
Chờ lời giải EVFTA
Thực tế, EVFTA đang mở ra rất nhiều kỳ vọng, bởi EU thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam về dệt may, da giày, thủy sản… Cụ thể, EU hiện là thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ 2, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Việt Nam cũng xuất siêu mặt hàng này sang EU.
Tương tự, trong nhiều năm liền EU luôn là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu (riêng năm 2016 với mức tăng trưởng thấp, EU trở thành thị trường thứ 2 sau Mỹ). Giày dép Việt Nam liên tục xuất siêu vào EU với kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu sang EU sẽ tăng 20% vào năm 2020, 42,7% năm 2025 và 44,37% năm 2030 nếu EVFTA có hiệu lực.
Cơ hội của EVFTA còn đến từ các cam kết thuế quan ổn định, không như thuế quan ưu đãi GSP chúng ta đang được EU cho hưởng có thể bị thu lại bất cứ lúc nào. Vì thế, với các cam kết tiêu chuẩn cao trong EVFTA, DN kỳ vọng về môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn, thể chế kinh tế thị trường cạnh tranh và an toàn hơn, cũng như khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại từ EU với giá rẻ hơn khi hiệp định có hiệu lực. Như với ngành gỗ, theo tính toán khi EVFTA chính thức được thông qua, thuế nhập khẩu máy móc từ EU sẽ giảm về 0%, tương đương giảm 20% chi phí nhập máy móc từ EU so với trước đây.
Nhưng liệu chúng ta sẽ nắm bắt và tận dụng được các cơ hội của EVFTA? Trong một lần trao đổi với ĐTTC, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhìn nhận quy tắc xuất xứ của EVFTA với ngành dệt may dễ thở hơn CPTPP, nhưng chúng ta chưa đáp ứng được nhiều. Và như vậy, DN vẫn còn nhiều lúng túng, liệu cơ quan nhà nước sẽ thích ứng ra sao; sự chậm trễ trong CPTPP có được rút kinh nghiệm khi EVFTA có hiệu lực… vẫn là câu hỏi lớn đang chờ lời giải.
Nguồn:Saigondautu.com.vn