Mở đầu phần chất vấn tư lệnh ngành công thương, đại biểu (ĐB) Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đánh giá tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. "Nguyên nhân và trách nhiệm của bộ trưởng trong quản lý nhà nước ở lĩnh vực này như thế nào" - ĐB tỉnh Bắc Kạn hỏi.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết ngành công thương đã nhận thấy mối nguy giả mạo xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan từ năm 2016, khi Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng bằng những Hiệp định thương mại tự do (FTA), điển hình là vụ 1,8 triệu tấn nhôm nghi giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ. Bên cạnh nhôm, một số sản phẩm khác có hiện tượng lợi dụng xuất xứ Việt Nam như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán, sản phẩm gỗ. "Những sản phẩm có dấu hiệu gian lận thương mại, truyền tải bất hợp pháp, lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Mỹ, EU đã được phát hiện và xử lý" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh Ảnh: QUANG VINH
Vừa qua Chính phủ đã có đề án ngăn ngừa gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa, trong đó đề ra 5 nhóm giải pháp chính đã được phân công cho các bộ, ngành. Bộ trưởng cho biết bộ đã công bố danh sách 25 mặt hàng cảnh báo sớm có nguy cơ bị lợi dụng gian lận thương mại để xuất khẩu đi Mỹ.
Nhiều ĐB yêu cầu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm rõ vai trò quản lý nhà nước khi điện mặt trời (ĐMT) bị "vỡ trận". ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) băn khoăn về Quy hoạch điện VII khi đến nay công suất ĐMT đã hơn 7.230 MW, trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ là 850 MW.
Không phủ nhận đóng góp của ĐMT vào nguồn điện quốc gia nhưng Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận sự phát triển không đồng bộ về hạ tầng truyền tải điện, trạm biến áp để bảo đảm giải tỏa công suất. Khi phê duyệt Quy hoạch điện VII chưa dự kiến đến sự phát triển của điện tái tạo và trong đó ĐMT là chủ yếu. "Ở diễn đàn QH này, tôi xin nhận trách nhiệm khi chưa bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng, bảo đảm giải tỏa công suất" - lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Dù vậy, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết có vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật khi nhà nước độc quyền trong truyền tải điện và chưa có những điều kiện để bảo đảm nguồn lực của xã hội sẽ được đầu tư vào hệ thống truyền tải điện.
Các ĐB cũng chất vấn về hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có hình "đường lưỡi bò" phi pháp và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận có lỗ hổng pháp lý. Đối với giải pháp chấn chỉnh hoạt động bán hàng online, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết pháp luật và thể chế chưa hoàn thiện, còn có sự chồng lấn, thiếu cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước ban hành một số thông tư, nghị định để hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.