Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel, ông Lê Thái Hòa, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính bổ sung cho nhau, không bị cạnh tranh trực tiếp. Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh.
Trong trao đổi thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì xuất siêu sang Israel với trị giá lớn. Nhiều doanh nghiệp Israel bày tỏ quan tâm, đặt vấn đề muốn nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng lương thực, thực phẩm (hạt điều, thủy hải sản các loại gồm cá ngừ, tôm đông lạnh…), nước giải khát các loại, hàng dệt may, giày dép,… từ Việt Nam.
Tham tán Thương mại Lê Thái Hòa cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu giày dép tiếp tục tăng mạnh ở mức 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu giày dép tiếp tục tăng mạnh ở mức 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Trong khi đó, mặt hàng thủy sản giảm 32,2% do Israel tăng cường các biện pháp kiểm soát và siết chặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm lương thực - thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nước này từ cuối năm 2018.
Thời gian qua, Israel đã cảnh báo người tiêu dùng và tiến hành thu hồi một số lô hàng nhập khẩu không đạt chất lượng đang phân phối trên thị trường nội địa. Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm, như hàng dệt may giảm 5,6%, cà phê giảm 4%, hạt điều giảm 3,7%.
Tuy nhiên, mặt hàng gạo của Việt Nam, cụ thể là sản phẩm gạo thơm, hạt dài, 5% tấm, đóng bao 5kg; tôm đông lạnh chế biến đóng gói trong túi nilon, tiếp tục xâm nhập, có chỗ đứng ổn định và được phân phối rộng rãi trên thị trường Israel. Các mặt hàng thiết bị điện tử như máy hút bụi của Tập đoàn Samsung sản xuất tại Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu vào Israel.
Tham tán Thương mại Lê Thái Hòa cũng cho biết ước tính trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt trên 670 triệu USD và nhập khẩu từ thị trường này khoảng 215 triệu USD.
Trong bối cảnh tình hình thị trường Israel có nhiều khó khăn và nhạy cảm, dự báo nếu không có biến động lớn gây ảnh hưởng tới thị trường, cả năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam sang Israel có thể đạt trên 800 triệu USD, tăng nhẹ so với năm ngoái. Nhập khẩu từ Israel đạt khoảng 260 triệu USD, qua đó đưa kim ngạch thương mại của hai nước ở mức trên 1 tỷ USD.
Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, nhiều doanh nghiệp Israel tiếp tục bày tỏ quan tâm tới các hoạt động hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực như đầu tư, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất, an ninh mạng, viễn thông và công nghệ thông tin, fintech, nông nghiệp, lao động…
Bên cạnh đó, một số công ty Israel quan tâm thành lập nhà máy tại Việt Nam để sản xuất các mặt hàng tiêu dùng (di chuyển cơ sở sản xuất từ các nước xung quanh sang Việt Nam nhằm giảm chi phí sản xuất).
Nguồn:Baotintuc.vn