|
Bông Hoa Kỳ chiếm 50% tổng lượng bông NK để sản xuất vải của ngành dệt may Việt Nam Ảnh: Nguyễn Huế |
Tăng trưởng nhanh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao. Kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (thời điểm Hoa Kỳ chính thức xóa bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD vào năm 2001 (là thời điểm trước khi Hiệp định Thương mại BTA có hiệu lực) và đạt 58,8 tỷ USD vào cuối năm 2018. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này đã đạt 35,4 tỷ USD.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu thời gian gần đây đã giúp Việt Nam có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 trong năm 2018 lên vị trí thứ 9 ngay trong đầu năm 2019. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành thị trường lớn thứ 27 và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, hoạt động XNK giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có nhiều thuận lợi nhờ tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Hoa Kỳ có nhu cầu NK lớn những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trong nhiều lĩnh vực như dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử... Ở chiều ngược lại, Việt Nam có nhu cầu NK lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế.
Nhận định về cơ hội XK hàng hoá vào thị trường Hoa Kỳ, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, các DN Việt Nam có cơ hội khai thác các “lỗ hổng” thương mại của hàng Trung Quốc tại thị trường Hoa Kỳ do tác động của chiến tranh thương mại. Cụ thể, DN Việt Nam có thể gia tăng XK vào Mỹ ở 12 nhóm hàng thực phẩm chế biến như thịt, động vật giáp xác, rau quả... Ngoài ra, một số sản phẩm dệt may có mức thuế không cao và thị phần không nhiều tại thị trường Mỹ như hàng dệt kim, vải thêu ren, vải chần sợi cũng đang có cơ hội tại thị trường này.
Là ngành hàng đang khai thác khá tốt thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, hiện Mỹ chiếm hơn 40% thị phần XK của toàn ngành gỗ. Mẫu mã và sản phẩm Việt Nam ở mức trung bình nên rất phù hợp với thị trường Mỹ (giá cả và chất lượng vừa phải), trong khi thị trường châu Âu (cái nôi sản xuất đồ gỗ) rất khó khăn cho các DN gỗ Việt.
Dù có nhiều lo ngại về xu hướng bảo hộ tại thị trường Hoa Kỳ nhưng ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ cho rằng Hoa Kỳ vẫn luôn dẫn đầu về độ mở cửa thị trường, cạnh tranh, thu hút đầu tư và tự do hoá thương mại. Hiện mức thuế NK của Hoa Kỳ bình quân là 10%, thấp hơn nhiều so với mức thuế NK của Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Hiện Hoa Kỳ là thị trường XK dẫn đầu của Việt Nam với mức tăng trưởng XK lên tới 37%. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng này thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là rất lớn. Điều này đang tạo sức ép khá lớn cho Chính phủ và các bộ, ngành.
Tăng nhập khẩu giảm thâm hụt thương mại
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, để giảm thâm hụt thương mại với thị trường Hoa Kỳ, chúng ta không thể giảm XK mà phải tăng NK vào thị trường này để thu hẹp khoảng cách.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương cũng kêu gọi và khuyến khích các DN chủ động nghiên cứu NK từ Hoa Kỳ các hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ cao phù hợp phục vụ sản xuất, XK. Sản xuất và XK đi Hoa Kỳ bằng chính công nghệ và nguồn nguyên liệu NK từ Hoa Kỳ, gắn với xây dựng chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bước đi chắc chắn, nhanh và hiệu quả nhất cho DN. Với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình gần 7%/năm, dân số gần 100 triệu người, nhu cầu tiêu dùng không bị chi phối bởi lý do tôn giáo và có sự ưu ái đối với các sản phẩm “Made in USA”, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho các công ty của Hoa Kỳ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, viễn thông, hàng không, tài chính, ngân hàng, phân phối bán lẻ, nông nghiệp, hay ở các lĩnh vực mới như kinh tế số, năng lượng tái tạo.
Cùng quan điểm như trên, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch XK đạt 39,5 - 40 tỷ USD, trong đó, thị trường Mỹ chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch XK của ngành dệt may. Để giảm thâm hụt thương mại từ thị trường Hoa Kỳ, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may đang tích cực NK bông của Hoa Kỳ về sản xuất vải. Ông Vũ Đức Giang cho rằng, việc thúc đẩy tiêu thụ bông của Hoa Kỳ tại Việt Nam không chỉ giúp tạo ra sự ổn định về chất lượng sợi và tạo ra nền tảng phát triển nền công nghiệp sản xuất sợi của Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy việc XK hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Nâng cao tỉ lệ sử dụng bông Hoa Kỳ trong ngành dệt may Việt Nam đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ được sử dụng các sản phẩm có chỉ số cotton cao và sản phẩm XK của Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ có hàm lượng bông Hoa Kỳ nhiều hơn. Do vậy, việc tăng cường hợp tác giữa các nhà sản xuất bông của Hoa Kỳ và các DN dệt may Việt Nam sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai bên.
“Hiện nay, tuy tỷ lệ NK bông Hoa Kỳ của Việt Nam đã đạt mức trên 50% tổng sản lượng NK bông vào Việt Nam nhưng Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn mong muốn có thể NK bông Hoa Kỳ nhiều hơn nữa. Để làm được điều này. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị Hiệp hội Bông Hoa Kỳ cần có kiến nghị với Chính phủ Mỹ có chính sách để các DN Hoa Kỳ đầu tư tổng kho bông tại Việt Nam. Nếu làm được điều này sản lượng bông của Hoa Kỳ bán tại thị trường Việt Nam có thể tăng lên gấp 2, gấp 3 lần so với hiện nay, từ đó ngành nông nghiệp Hoa Kỳ phát triển mạnh hơn và các DN Việt Nam cũng sẽ có nguồn cung bông ổn định hơn với thời gian giao hàng nhanh hơn”, ông Giang cho biết.