Doanh nghiệp Việt phải 'chuyển mình' để tận dụng EVFTA
Nhận được nhiều ưu đãi thuế quan, nhưng nếu doanh nghiệp không nâng cấp chuỗi sản xuất, nhất là truy xuất nguồn gốc... sẽ khó tận dụng tối đa ưu đãi của EVFTA.
Tại hội nghị "Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU" ngày 28/8, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng EVFTA là cơ hội để Việt Nam trở thành đối tác của một thực thể gồm 28 nước có tổng quy mô GDP chiếm tới 18.000 tỷ USD. Trong quan hệ thương mại, EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và hiện chiếm hơn 38% các kim ngạch xuất khẩu.
"Hiệp định này cũng là cơ hội giúp Việt Nam thực hiện thành công chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác, trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư... và để tránh việc Việt Nam bị phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể", ông Tuấn Anh đánh giá.
Nêu những con số định lượng về tăng trưởng thương mại, GDP nhờ EVFTA, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên cho hay, giá trị xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% vào năm 2020, và tăng lên gấp đôi vào 2030. Hiệp định này cũng giúp GDP Việt Nam tăng 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019-2023 và 4,57 - 5,3% từ năm 2024 đến 2028.
Tuy nhiên, theo ông Thái, muốn tận dụng được tối đa các ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại, thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu sang EU, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU.
Theo cam kết, khi hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
|
Công nhân Tổng công ty May 10 sản xuất áo sơ mi. Ảnh: TL |
Ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, giày dép là ngành có lợi thế nhất khi EVFTA có hiệu lực với mức độ giảm thuế sâu, 80% dòng thuế và quy tắc xuất xứ không quá khắt khe. Tuy nhiên, ngành này hiện chủ yếu đang gia công cho các thương hiệu lớn, nên để gia tăng giá trị, ông Hoàn nói.
Lộ trình giảm thuế với ngành dệt may 42,5% số dòng thuế được xóa bỏ ngay, số còn lại về 0% sau 3-7 năm. Cơ hội mở ra cho ngành này rõ nét nhất là thu hút thu hút đầu tư trong lĩnh vực dệt nhuộm, điểm nghẽn của ngành dệt may hiện nay trong vấn đề nguyên liệu nguồn. Từ đó giải quyết được nguồn cung vải thiếu hụt từ lĩnh vực sản xuất dệt nhuộm.
Nhưng điểm chung của 2 lĩnh vực này là "phần lớn gia công cho các ông chủ ngoại", nên theo Cục phó Cục Công nghiệp, muốn tận dụng ưu đãi thuế theo cam kết EVFTA, các doanh nghiệp dệt may, da giày cần chuyển sang công đoạn phát triển sâu, theo chuỗi từ phát triển nguyên liệu, thiết kế đến sản phẩm hoàn chỉnh... bên cạnh đảm bảo nguyên tắc xuất xứ trong EVFTA.
Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại lưu ý các doanh nghiệp phải đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU, nhằm tránh nguy cơ hàng Việt bị mượn danh để xuất sang thị trường này, gây ra hệ lụy có thể bị EU áp thuế chống bán phá giá. Ông Dũng nói, hành vi này khá đa dạng, phổ biến, nhưng hiện khá tinh vi, chẳng hạn như các vụ điều tra gỗ dán, pin mặt trời... sang EU vừa qua.
Từ đầu năm đến nay Việt Nam đã ghi nhận 19 điều tra chính thức hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang nước nước thứ 3 bị nghi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế. Số lượng các cuộc điều tra gia tăng cùng với thương chiến thương mại Mỹ - Trung.
Ngoài ra, cần chú trọng vấn đề an toàn, vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất...