Doanh nghiệp sản xuất đối diện bài toán định danh hàng Việt Nam
Quy định hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tối thiểu 30% để được định danh “hàng sản xuất tại Việt Nam” nếu có hiệu lực sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực sản xuất.
Bao nhiêu hàng Việt được dán mác “made in Vietnam”?
Một trong những câu hỏi lớn đang được các doanh nghiệp đặt ra là sẽ có bao nhiêu phần trăm tỷ lệ hàng Việt Nam có thể đáp ứng được các tiêu chí theo dự thảo Thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam để được đường đường chính chính ghi nhãn hàng “made in Vietnam”?
Ngược lại, có bao nhiêu phần trăm sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất sẽ không được gắn mác hàng sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh nền công nghiệp sản xuất cốt lõi và cả công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu?
Bản thân Ban soạn thảo Thông tư cũng phải thừa nhận không trả lời được chính xác câu hỏi này. “Chắc chắc sẽ có những lĩnh vực sản xuất, số doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí này giảm đi rõ rệt.
Các doanh nghiệp đã đáp ứng được, thậm chí ở mức cao hơn tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa, chẳng hạn như ngành chế biến nông sản sẽ không yêu cầu thay đổi do đã đáp ứng được các quy tắc xuất xứ theo các thỏa thuận thương mại khu vực và các hiệp định thương mại đã ký. Còn với nhiều lĩnh vực, rất khó có thể xác định ai còn ai mất khi các tiêu chí định danh được chính thức luật hóa”, đại diện Ban soạn thảo nhận định.
Trong số những ngành mà doanh nghiệp và sản phẩm được đánh giá là có thể chịu tác động rõ nhất của quy định này, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được nêu tên đầu tiên. Trong đó, ngành sản xuất sắt thép, ô tô và lắp ráp điện tử, dệt may, da giầy, thậm chí là thủy sản, nông sản cũng nằm trong phạm vi tác động với mức ảnh hưởng khác nhau, tùy thuộc vào khả năng đáp ứng tỷ lệ giá trị xuất xưởng cuối cùng của doanh nghiệp.
Ðây cũng là những ngành sản xuất mà Ban soạn thảo Thông tư dự kiến sẽ nhận được nhiều phản hồi “gay gắt” nhất về mức VAC. Và khả năng gia công có thể thay đổi tính chất sản phẩm ở công đoạn cuối cùng tại Việt Nam - vốn là hai tiêu chí xác định hàng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất thép, công nghiệp ô tô, lắp ráp điện tử, điện thoại.
Thậm chí, việc điều chỉnh tỷ lệ VAC ở những ngành này cũng đã được ngay chính Ban soạn thảo lường trước có thể phải thay đổi nếu các ý kiến phản hồi của doanh nghiệp từ thực tế sản xuất là hợp lý và có cơ sở.
Bên cạnh đó, phương án có thể chọn một số ngành thay vì áp dụng cho tất cả các lĩnh vực sản xuất cũng được tính tới để phù hợp với năng lực nội địa hóa của từng ngành, song vẫn cần cân nhắc để tránh các tác động ngoài mong muốn như bị coi là phân biệt đối xử giữa các ngành, doanh nghiệp…
Ngành thép khó đáp ứng hàm lượng giá trị nội địa
Ðánh giá về tác động tổng thể đối với doanh nghiệp ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, tỷ lệ VAC 30% là khá cao với hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam.
“Vấn đề với ngành thép là nguyên liệu. Hiện nay, chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu ở dạng bán thành phẩm là thép cán nóng để sản xuất thành thép cán nguội cung ứng cho thị trường nội địa. Còn sử dụng dạng nguyên liệu thô là quặng sắt thì rất ít do phụ thuộc vào việc doanh nghiệp có mỏ quặng và có được cấp phép trực tiếp khai thác quặng hay không. Số này chỉ đáp ứng được 10 - 15% nhu cầu sản xuất cho thị trường”, ông Sưa phân tích.
Vị chuyên gia ngành thép cũng ước tính, khả năng chỉ có Thép Hòa Phát và một số doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ và vừa khai thác quặng tại Thái Nguyên, Tuyên Quang mới đáp ứng được tỷ lệ VAC 30% để tự tin gắn nhãn cho sản phẩm thép “sản xuất tại Việt Nam”.
Tuy nhiên, ngay cả với thép Hòa Phát, nếu sản xuất tại nhà máy tại Dung Quất cũng khó có thể tính toán được, bởi phần lớn nguyên liệu thép cán nóng cho nhà máy sản xuất tại đây đều phải nhập khẩu.
Formosa dù là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam hiện nay, nhưng ông Sưa không tin tưởng vào khả năng đáp ứng tỷ lệ VAC 30%, bởi doanh nghiệp này gần như nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu bán thành phẩm thép cán nóng để sản xuất ra thép thành phẩm.
Một vấn đề cũng được các doanh nghiệp thép đặc biệt quan tâm là câu chuyện nguồn gốc xuất xứ để chứng minh thương hiệu và chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng và thị trường. Hiện nay, mối lo ngại lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam là thép Trung Quốc dư cung quá lớn, có thể trà trộn nhằm lẩn tránh thuế khi xuất khẩu.
Nếu không đáp ứng tiêu chí đưa ra tại Thông tư, các doanh nghiệp thép Việt Nam không được ghi nhãn sản phẩm “sản xuất tại Việt Nam”, khả năng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Bởi lòng tin của người tiêu dùng ngày càng đặt trọn vào các thương hiệu sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ chính thức.
Doanh nghiệp ô tô, điện tử đối diện bài toán nội địa hóa
Ðối với ngành ô tô và chế biến lắp ráp, câu chuyện cũng đặt ra tương tự khi năng lực của ngành công nghiệp cốt lõi và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn chưa thực sự phát triển. Ở ngành công nghiệp ô tô, hiện đã có nhiều nhà máy lắp ráp tại Việt Nam của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, trong đó có những “ông lớn” như Trường Hải, Vinfast.
Song, thực tế tỷ trọng nhập khẩu linh kiện vẫn còn rất cao, tỷ lệ nội địa hóa chưa đạt mục tiêu đề ra đối với một số dòng sản phẩm như dòng xe cá nhân đến dòng xe 9 chỗ ngồi tỷ lệ này chỉ ở mức 7 - 10%, thấp xa so với mục tiêu đề ra. Nhiều sản phẩm đã được nội địa hóa như săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa… vẫn mang hàm lượng công nghệ thấp.
Tương tự, ở ngành công nghiệp điện tử, ngay kể cả nhiều sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, vẫn có những sản phẩm ghi nhãn xuất xứ từ các quốc gia khác dù lắp ráp tại Việt Nam.
Trong khi nhiều sản phẩm do chính doanh nghiệp trong nước sản xuất như điện thoại của Việt Nam do VNPT sản xuất, các sản phẩm công nghệ cao như thiết bị tổng đài, modem các loại…, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn chưa vượt ngưỡng 10 - 15%. Ðây cũng là bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp trong việc định danh xuất xứ sản phẩm khi Thông tư được ban hành.
Ngoài ra, mối quan tâm của các doanh nghiệp ô tô còn xoay quanh câu chuyện liệu tỷ lệ VAC 30% trong dự thảo có liên quan đến việc tính tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp để được hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai…
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết đã gửi đề xuất đầu tiên tới Ban soạn thảo Thông tư về việc cần làm rõ tên gọi Thông tư để phân định rạch ròi giữa mục tiêu định danh ghi nhãn và mục tiêu tính tỷ lệ nội địa hóa.
“Nếu hai mục tiêu này liên quan đến nhau thì câu chuyện sẽ trở nên hoàn toàn khác, với quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Khi đó, nó không còn là vấn đề ghi nhãn thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Công thương, mà liên quan tới rất nhiều bộ, ngành. Cần nghiên cứu và đánh giá tác động trước khi xây dựng các tiêu chí quy định mới, vì nó sẽ tác động rất lớn tới lợi ích của các doanh nghiệp”, đại diện này chia sẻ.
Nguồn: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/doanh-nghiep-san-xuat-doi-dien-bai-toan-dinh-danh-hang-viet-nam-275811.html