Giả mạo đủ mặt hàng
Doanh nghiệp muốn có nhãn mác “Made in Vietnam” hay kể cả nhãn mác các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới để gắn lên sản phẩm của mình không mấy khó khăn. Trên phố Hàng Bồ (Hà Nội), thủ phủ của các loại nhãn mác, phụ kiện, khách muốn mua sẵn hoặc đặt in nhãn mác theo nhu cầu, số lượng bao nhiêu cũng có.
“Giá chỉ khoảng 250.000 – 300.000 đồng/cọc nhãn mác dùng cho khoảng 200 sản phẩm”, một người bán hàng ở đây cho biết. Đó là lý do khiến các sản phẩm thời trang “made in Vietnam” giả mạo được bày bán tràn lan trên thị trường, dù thực chất đây là hàng Trung Quốc trôi nổi.
Hàng trăm chiếc máy bơm Trung Quốc bị “hô biến” thành hàng "Made in Vietnam" bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: Tổng cục QLTT
Với những sản phẩm quần áo, túi xách, giày dép… gian thương chỉ cần cắt mác thật, gắn mác giả như vậy. Còn với những mặt hàng cao cấp như đồ điện thì họ lại có thủ đoạn tinh vi hơn như giả mạo cả bao bì.
Tối 30/7 vừa qua, 493 chiếc máy bơm nước đang được "hô biến" từ “Made in China” thành “Made in Vietnam” chưa kịp lưu thông ra thị trường đã bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) thu giữ.
Đại diện Công ty cổ phần thiết bị điện 368 khai nhận, sau khi nhập khẩu trực tiếp lô máy bơm có xuất xứ từ Trung Quốc, doanh nghiệp này đã thay đổi nhãn dán của 166 máy bơm nước thành: “Máy bơm nước thông minh model SMTN 220A” sau đó dán nhãn “Made in Vietnam”. Sau khi cải biến sản phẩm thành hàng Việt Nam sản xuất, doanh nghiệp này đã đóng toàn bộ lô hàng vào thùng carton do công ty đặt in có nội dung: “Công ty cổ phần thiết bị điện 368, địa chỉ An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam”.
Trước đó, vào tháng 6/2019, cơ quan QLTT TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và bắt giữ lô hàng của một doanh nghiệp tại quận 6 với gần 10.000 sản phẩm cặp lồng, ấm pha trà, bát inox các loại không có hóa đơn chứng từ; hơn 2.000 vỏ micro trôi nổi, hơn 600 bộ tách trà không hóa đơn chứng từ nhưng lại ghi trên sản phẩm dòng chữ “Hang Viet Nam”, cùng gần 2 triệu sản phẩm đồ sứ không nhãn hiệu… Nhiều sản phẩm gia dụng khác như nồi cơm điện, đồ điện gia dụng, phụ tùng xe máy, xe đạp… cũng bị giả mạo “Made in Vietnam” bị cơ quan hải quan bắt giữ.
Với những sản phẩm nhập khẩu (hoặc nhập lậu) nguyên chiếc và thay đổi nhãn xuất xứ Việt Nam thì cơ quan chức năng có thể dễ dàng xác minh như vậy. Tuy nhiên, với những mặt hàng chế biến, chế tạo trong nước, đòi hỏi phải lắp ráp từ nhiều thành phần, linh kiện nhập khẩu, thì việc xác minh xuất xứ hàng hóa “made in Vietnam” không phải là dễ dàng.
Triển khai việc truy xuất nguồn gốc
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, hiện nay trên thị trường tồn tại khá phổ biến hiện tượng gắn mác "made in Vietnam" nhưng thực chất không sản xuất ở Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu là rau củ quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em...
“Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do xu hướng người Việt chuộng hàng Việt nhiều hơn; doanh nghiệp muốn lẩn tránh, trốn thuế; phân phối, tiêu thụ dễ dàng và chưa có chế tài xử lý nghiêm”, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết và đề xuất tăng cường hậu kiểm và có biện pháp lâu dài về mặt công nghệ giúp truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, có một thực tế là lực lượng QLTT chỉ có thể kiểm tra, bắt giữ hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ giả mạo hàng Việt. Còn hàng hóa sản xuất trong nước, gắn nhãn “made in Vietnam” thì chưa có căn cứ xác minh xuất xứ đó có đúng hay không.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc gắn nhãn “hàng Việt Nam”, “hàng hóa sản xuất tại Việt Nam” với hàng hóa sản xuất, lưu thông trong nước. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu.
“Do đó, người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào các nhãn hàng”, ông Hải cho hay.
Đây là một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa “đội lốt” xuất xứ Việt Nam có đất sống. Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam; hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để áp dụng cho hàng lưu thông trong nước. Khi văn bản được ban hành sẽ là cơ sở để xác minh xuất xứ của sản phẩm hàng hóa, ngăn chặn tình trạng gian thương giả mạo xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng.
Nguồn: Baotintuc.vn