Giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp Việt
Tình trạng gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước ngoài hưởng ưu đãi thuế quan hoặc lẩn tránh thuế cao ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu tới doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu trong nước. Bên cạnh đó còn xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ hàng Việt nhắm ngay vào thị trường nội địa gây tổn hại tới thị trường nội địa và người tiêu dùng.
PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan xung quanh những nội dung này.
PV: Tình trạng giả xuất xứ Việt Nam, theo ông ảnh hưởng như thế nào tới DN Việt?
Ông Âu Anh Tuấn: Trong quá trình quản lý, giám sát, kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Hành vi nêu trên ngoài việc gây ảnh hưởng không nhỏ đến các DN làm ăn chân chính, người tiêu dùng Việt Nam, còn gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc gia.
Tổng cục Hải quan đã phối hợp tham gia với cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban Châu Âu (OLAF), cơ quan điều tra của các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, Canada… tiến hành điều tra một số mặt hàng nghi ngờ gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước. Đặc biệt, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc có tác động nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Dự báo hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, làm mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này.
PV: Như vậy, có thể thấy tình trạng hàng giả gắn mác “Made in Vietnam” có vẻ như đang diễn biến phức tạp. Ông có thể cho biết một số thủ đoạn gian lận phổ biến hiện nay.
Ông Âu Anh Tuấn: Trong thời gian vừa qua, tình trạng hàng giả gắn mác “Made in Vietnam” có diễn biến phức tạp. Các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng tinh vi, mức độ phức tạp, diễn biến khó lường gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo đó, các hành vi gian lận như, hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc trên sản phẩm và/hoặc bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa thì nhãn hàng hóa dán trên bao bì/sản phẩm được bóc dễ dàng mà không ảnh hưởng đến bao bì hoặc sản phẩm và được thay nhãn mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam”.
|
Ông Âu Anh Tuấn - Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan. |
Hàng hóa nhập khẩu từ nước thứ 3 về Việt Nam, không trải qua công đoạn sản xuất, gia công mà chỉ thay đổi nhãn mác, xuất xứ thành hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước như Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…
Lợi dụng văn bản quy phạm pháp luật chưa bắt buộc dán nhãn phụ ngay tại khâu thông quan (phải dán nhãn phụ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường) để nhập khẩu các mặt hàng có thương hiệu nổi tiếng, sau đó thay đổi nhãn mác, bao bì, tên thương hiệu để tiêu thụ nội địa.
Doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) nhập khẩu hàng hóa/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng khai xuất xứ Việt Nam (ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa) hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam (Certificate of Origin).
Lợi dụng cơ chế thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng để lắp ráp hoặc bán linh kiện cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu.
Không ghi xuất xứ trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu sau đó trước khi lưu thông thì bổ sung nhãn phụ (Made in Vietnam)...
PV: Theo ông, hàng hoá giả xuất xứ Việt Nam tập trung vào mặt hàng nào nhiều nhất?
Ông Âu Anh Tuấn: Sai phạm về giả xuất xứ Việt Nam đối với cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu đồng thời gian lận xuất xứ cũng xẩy ra đối với mọi loại hình xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển tải… do vậy không loại trừ bất kể một thủ tục hải quan nào đối với hành vi gian lận xuất xứ. Chúng tôi đang rà soát các mặt hàng xuất khẩu tăng đột biến để có biện pháp kiểm soát phù hợp như đối với mặt hàng gỗ ván ép, xe đạp điện, tấm dán /phủ có họa tiết đá hoa cương…
Theo tôi, một số nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ cao gồm: Nhóm hàng dệt may; da giày và túi xách; máy vi tính; điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ.
PV: Khi phát hiện vụ việc gian lận xuất xứ, khi xử lý cơ quan hải quan có gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Âu Anh Tuấn: Đối với ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, phạm vi điều chỉnh tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về ghi nhãn hàng hóa không điều chỉnh nội dung ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu. Do vậy, đối với hành vi xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam không đáp ứng tiêu chí xuất xứ nhưng trên bao bì, sản phẩm ghi sẵn nhãn hiệu “Made inVietnam”, “Producted in Vietnam”; “Products of Vietnam”, cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc đấu tranh, phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu và xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Đối với ghi nhãn hàng nhập khẩu, trường hợp trên nhãn gốc không thể hiện thông tin về xuất xứ thì theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ, DN được phép bổ sung nhãn phụ trước khi lưu thông trên thị trường. Quy định này dẫn đến việc DN lợi dụng, tại thời điểm nhập khẩu DN vẫn khai hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài, nhưng trên nhãn chưa thể hiện thông tin xuất xứ hàng hóa, sau khi thông quan, DN gắn nhãn phụ có xuất xứ Việt Nam (Made in Vietnam…) trên hàng hóa trước khi đem ra lưu thông.
Cơ quan hải quan không kiểm soát được việc ghi nhãn phụ do hàng hóa đã thông quan và nằm ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa nhập khẩu khi lưu thông ra thị trường trong nước thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương (Cục Quản lý thị trường).
Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ có quy định các nội dung bắt buộc về ghi nhãn, trong đó có nội dung về ghi nhãn xuất xứ phải tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa, song Nghị định số 31/2018/NĐ-CP và Thông tư số 05/2019/TT-BTC lại không có quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ đối với hàng lưu thông trong nước mà chỉ có quy định quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Như vậy, giữa các văn bản này chưa có sự kết nối, thống nhất về cách thức ghi nhãn xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất kinh doanh lưu thông tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, khoản d Điều 2 và khoản c điều 3 của Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO cũng đã quy định “Quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu không được chặt chẽ hơn quy tắc xuất xứ áp dụng để xác định hàng hóa đó có phải là hàng hóa nội địa hay không và không được phân biệt giữa các quốc gia thành viên”. Như vậy, với tư cách là thành viên của WTO, Việt Nam cần xây dựng quy tắc xuất xứ đối với các hàng hóa sản xuất và tiêu thụ trong nước.
Hiện nay, so sánh giữa quy định về xử phạt các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa hiện tại với các hành vi gian lận xuất xứ có thể thấy các văn bản pháp quy chưa bao trùm được các hành vi gian lận hiện tại cũng như dự kiến trong thời gian tới. Mức phạt còn chưa thể hiện được tính răn đe nhằm hạn chế hành vi gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa gây ảnh hưởng lớn đến uy tín ngành hàng, quốc gia, sự phát triển của nền kinh tế.
PV: Trước thực trạng trên, ngành Hải quan kiểm soát vấn đề này như thế nào? Và ông có khuyến nghị gì đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước và người tiêu dùng?
Ông Âu Anh Tuấn: Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, Tổng cục Hải quan đã có Công văn số 3083/TCHQ-GSQL ngày 20-5-2019 và Công văn số 263/TCHQ-ĐTCBL ngày 12-6-2019 yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định.
Đối với hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, khi kiểm tra hồ sơ lô hàng, kiểm tra thực tế hàng hóa (nếu có) yêu cầu công chức hải quan thực hiện kiểm tra cụ thể tên hàng, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng, xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (nếu có).
Bên cạnh đó, ngành hải quan thực hiện phân tích, đánh giá số liệu để kịp thời phát hiện các mặt hàng, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá hoặc đang điều tra... để thực hiện kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp.
Tôi cho rằng, các DN cần nâng cao năng lực sản xuất, đón đầu và tham gia các chuỗi cung ứng của các DN nước ngoài. Thúc đẩy đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, tăng công suất để phục vụ sản xuất; Đồng thời, DN cần nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, nhãn mác, nâng cao tính tuân thủ pháp luật để thực hiện đúng các quy định của pháp luật và xuất xứ, nhãn mác hàng hóa.
Khuyến nghị các nhà sản xuất trong nước không tiếp tay cho hoạt động chuyển tải hàng hóa từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại sang Việt Nam để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đi nước thứ 3, đồng thời phải thực hiện quản trị tốt việc lưu trữ các chứng từ về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, sản phẩm.
Về phía người tiêu dùng trước khi mua hàng hóa nên tìm hiểu kỹ về tên hàng, tên thương hiệu, tên địa chỉ, người sản xuất; nên lựa chọn nhưng sản phẩm có uy tín, có chất lượng, có thương hiệu.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn:Cand.com.vn