Cả năm 2018, ngành da giày xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trị giá 4,66 tỉ USD. Với Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA) được ký kết, cơ hội xuất khẩu hàng da giày từ VN sang EU sẽ gia tăng mạnh bởi mức thuế bình quân đang từ 8% sẽ được giảm về 0%, các đối tác sẽ mạnh dạn đặt hàng VN thay vì chuyển sang các nước có giá nhân công rẻ hơn. Đặc biệt, EVFTA sử dụng phương pháp chuyển chương để tính nguyên tắc xuất xứ nên một số chuyên gia cho rằng doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ có nhiều cơ hội đáp ứng được yêu cầu để hưởng thuế suất 0%, nhất là với ngành da giày.
Không dễ đáp ứng nhu cầu xuất xứ
Tuy nhiên, trực tiếp xuất khẩu giày da, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương), cho biết sẽ không dễ dàng để đáp ứng quy định về xuất xứ. Bởi hầu hết nguyên phụ liệu chính cho ngành da giày tại VN như giày nữ và giày thời trang vẫn được nhập khẩu chính từ Trung Quốc và Đài Loan. Chỉ có một số phụ liệu từ Hàn Quốc nhập về sản xuất giày thể thao. Nguồn hàng thay thế ở các nước khác trong EU có giá quá cao, còn tại VN không có. Vì vậy để có thể hưởng được mức thuế 0%, các DN vẫn phải cần có thời gian để tìm kiếm nguồn hàng thay thế. “Các hiệp định thương mại như CPTPP hay EVFTA đều có thể mang lại lợi ích, nhưng bản thân DN không thể nhận nhiều đơn hàng hơn bởi số lượng công nhân có hạn, không thể tăng kịp. Vì vậy không thể trông chờ vào sự tăng đột biến trong thời gian tới”, bà Thúy Liên nhận định.
Các hiệp định thương mại như CPTPP hay EVFTA đều có thể mang lại lợi ích, nhưng bản thân DN không thể nhận nhiều đơn hàng hơn bởi số lượng công nhân có hạn, không thể tăng kịp. Vì vậy không thể trông chờ vào sự tăng đột biến trong thời gian tới
Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát
Luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó trưởng phòng Pháp chế - trọng tài Phòng Thương mại - Công nghiệp VN chi nhánh TP.HCM, nhận xét với ngành da giày, ước tính có trên 37% số dòng sản phẩm sẽ được áp thuế về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực. EVFTA chỉ yêu cầu hàng da giày VN không được nhập mũ giày và đế giày, hai phần này phải được sản xuất tại VN. Còn lại xuất xứ có cho phép cộng gộp từ Hàn Quốc và EU. Nên da giày VN vẫn dễ hơn so với dệt may, bởi yêu cầu xuất xứ hai bộ phận này DN trong nước tự chủ được. Tuy nhiên, bà Gabriella Marchioni Bocca, Chủ tịch Hiệp hội Quốc gia các nhà sản xuất thiết bị công nghệ cho ngành da giày Ý, trong một cuộc hội thảo về da giày gần đây tại TP.HCM, lưu ý phía châu Âu sẽ áp dụng những điều luật mới cho việc xuất khẩu hàng hóa của VN qua châu Âu. Trong đó, sản xuất giày tại VN còn hạn chế nhiều bởi sản phẩm vẫn còn phụ thuộc vào chất liệu tổng hợp. Bà nói, VN cần phải nâng tầm công nghệ với những công nghệ mới và hội nhập vào ngành sản xuất da giày của thế giới nhiều hơn nữa, không chỉ cứ nghĩ mua nguyên liệu tổng hợp về gia công là xong.
Dệt may khó hơn da giày
Hiện nay EU là thị trường lớn thứ hai của ngành dệt may VN, chỉ đứng sau Mỹ. Cả năm 2018, dệt may VN đã xuất khẩu hơn 4 tỉ USD sang thị trường EU. Trong thời gian 7 năm, thuế suất nhập khẩu sản phẩm dệt may từ VN cũng sẽ hoàn toàn bị bãi bỏ so với mức bình quân 9,6% hiện nay nên khả năng tăng trưởng xuất khẩu là rất lớn.
Nhưng theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, dù EVFTA cho phép sử dụng vải từ Hàn Quốc hay một số nước ASEAN đã có hiệp định thương mại thì tỷ lệ đáp ứng chỉ ở mức 15%. Còn ngành dệt may vẫn nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc và Đài Loan. Hơn nữa từ trước đến nay, hầu như việc kết nối của DN trong nước với các chủ hàng ở châu Âu chưa nhiều. Vì vậy để tận hưởng ưu đãi về thuế thì có thể thời gian tới, nhiều đối tác tại EU sẽ tăng thêm nhu cầu tìm hiểu để đưa ra các sản phẩm sử dụng những chủng loại vải mà VN và Hàn Quốc đều sản xuất được.
Đặc biệt theo ông Hồng, khả năng EVFTA sẽ tạo ra làn sóng đầu tư của DN nước ngoài vào VN để sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may và da giày rất cao. Trước đây khi Hiệp định CPTPP đang trong quá trình đàm phán thì làn sóng đầu tư này đã xảy ra. Tuy nhiên sau khi Mỹ rút khỏi CPTPP thì nhiều dự án đã ngừng lại. Nhưng với EU cũng là một thị trường lớn thì hiện tượng này có thể tái diễn.
Đồng quan điểm, luật sư Vũ Xuân Hưng cũng nhận xét, việc áp dụng xuất xứ của ngành dệt may tương đối khó hơn ngành da giày, cho dù không khó bằng nguyên tắc xuất xứ trong CPTPP. Bên cạnh đó, EVFTA cho phép cộng dồn vải nhập từ Hàn Quốc, các nước trong khối EU và ASEAN. Xem ra, xuất khẩu dệt may vào EU sau khi có EVFTA không phải chỉ có “hoa hồng”.
Nguồn:Thanhnien.vn