Nâng tuổi nghỉ hưu: Cần bình đẳng giữa nam và nữ
Với mục tiêu bảo đảm bình đẳng giới, tạo cơ hội và quyền lợi ngang nhau giữa nam và nữ, nhiều ý kiến từ Hội Nữ trí thức Việt Nam kiến nghị nên nâng mức tuổi nghỉ hưu của nam và nữ ngang nhau.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng nhận được nhiều tham vấn đóng góp liên quan đến quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn, quy định về khung giờ làm thêm…
Sáng nay (11/6), Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn góp ý Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dự luật được Quốc hội thảo luận trong kỳ họp này, dự kiến sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các đại biểu vào chiều mai (12/6) tại nghị trường.
Tại buổi tham vấn, bà Nguyễn Thanh Cầm - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách Pháp luật (TƯ Hội LHPN Việt Nam) cho biết, nhiều nội dung góp ý đang nhận ý kiến khác nhau của xã hội, trong đó tập trung các nhóm vấn đề chính như có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh (theo hướng bổ sung nhóm lao động phi chính thức), điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, hay mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ…
Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng được đề cập định hướng tham vấn bao gồm thay đổi khung giờ làm việc cơ quan hành chính, nghỉ bù Tết âm lịch, khái niệm về hành vi quấy rối tình dục hay có nên đưa ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ chung của cả nước…
Hội thảo tham vấn nhận được đông đảo góp ý của nữ trí thức Việt Nam. Ảnh: D.H
Việc điều chỉnh tuổi hưu nhận được nhiều đóng góp nhất của các nữ tri thức tại buổi tham vấn. Tất cả ý kiến đóng góp đều ủng hộ phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo Dự thảo luật.
Theo GS.TS Bùi Thị An (Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội), việc điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu theo hai phương án của Dự thảo luật là hợp lý. Việc tăng tuổi hưu với riêng nữ giới có ý nghĩa như khắc phục hạn chế trong quy hoạch, cấp ủy, tránh tình trạng “đầu vào” như nhau nhưng “đầu ra” hạn chế.
Tuy nhiên, điều mà bà băn khoăn là sự chênh lệch tuổi hưu giữa nam và nữ theo hướng tuổi hưu của nam nhiều hơn nữ. “Tôi thấy chưa có cơ sở nào để cho thấy nữ và nam phải chênh lệch tuổi nghỉ hưu. Nếu liên quan đến vấn đề sức khỏe, tôi đề nghị Bộ Y tế nên có công bố các thông tin liên quan đến tuổi thọ giữa nam và nữ. Về trình độ cũng vậy, cũng không có cơ sở để quy định độ tuổi” – bà An cho hay.
GS Bùi Thị An cũng cho rằng, Luật sửa đổi cần tiếp cận theo hướng mới, đó là tạo quyền bình đẳng được làm việc cho cả hai giới, trừ những lĩnh vực ngành nghề nặng nhọc độc hại thì được nghỉ sớm 5 năm.
GS.TS Bùi Thị An đề nghị tuổi hưu nam và nữ cần ở mức như nhau. Ảnh: D.H
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của một số đại biểu. PGS.TS Trần Hồng Nhung (Viện Khoa học Vật lý) cũng cho rằng, chênh lệch tuổi hưu giữa nam và nữ không phản ánh điều gì ngoài việc bất bình đẳng nam nữ, thậm chí là ngụy biện.
"Tôi đề nghị tuổi hưu nam và nữ là như nhau. Một số nước trên thế giới áp dụng việc quy định tuổi hưu nam nữ như nhau, nhưng nếu nữ giới nuôi con, thì họ có quyền xin về hưu sớm, số năm xin về tùy thuộc vào số người con của họ. Như vậy vẫn đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và bình đẳng giới, nước ta nên nghiên cứu” – bà Hồng Nhung cho biết.
Lấy ví dụ thực tiễn từ chính gia đình mình, chị Nguyễn Thanh Xuân (Chi hội Nữ tri thức ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, mẹ chị làm công nhân bộ phận bảo dưỡng tàu thủy, rất nặng nhọc độc hại và phải xin về hưu từ năm 51 tuổi.
“Quả thực, nếu kéo dài tuổi hưu, những trường hợp này cảm thấy bức xúc. Qua theo dõi tranh luận và trải nghiệm thực tế, tôi nghĩ việc tăng tuổi hưu nên nghiên cứu thật kỹ, nhất là đối với những công nhân trong lĩnh vực nặng nhọc độc hại. Ngược lại, với đội ngũ trí thức cao, nên mở rộng phạm vi điều chỉnh ở Nghị định 141 của Chính phủ để tạo điều kiện cho họ được làm việc và cống hiến” – chị Xuân góp ý.
Bà Nguyễn Thị Nhã (Nguyên cán bộ Bộ Ngoại giao) cho rằng, ngoài việc bình đẳng nam nữ như nhau về tuổi hưu, cần tiếp cận theo hướng cốt lõi là vấn đề tiền lương. Việc tạo thêm cơ hội cho trí thức cao là điều cần thiết, bởi “sao sáng” tuy không phải là quá nhiều trong xã hội, nhưng vẫn cần khuyến khích để tận dụng nhân tài. Tư nhân sẽ chỉ tuyển người có kinh nghiệm, kỹ năng.
Làm thêm giờ: Cần quy định mức “trần” theo tháng
Liên quan đến mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo hướng giới hạn tổng số giờ làm thêm theo ngày và theo năm. Theo đó, giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, không quá 200 giờ trong một năm (trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 400 giờ một năm).
Như vậy so với quy định hiện hành, không còn giới hạn giờ làm thêm theo tháng, và tăng thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt trên 400 giờ một năm. Dự thảo đồng thời bổ sung việc trả lương lũy tiến thời gian làm thêm giờ do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.
Việc bỏ giới hạn giờ làm thêm theo tháng, theo phân tích của bà Nguyễn Thanh Huyền (Giảng viên khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) là rất bất cập. Ba năm ròng rã đi giảng về luật liên quan đến lao động cho các doanh nghiệp dệt may và da giày, bà Huyền cho hay tình trạng công nhân buộc phải làm thêm giờ là rất phổ biến. Có những lúc cao điểm, công nhân không muốn làm thêm giờ cũng không được.TS Nguyễn Thanh Huyền băn khoăn về mở rộng giờ làm thêm thiếu mức trần theo tháng. Ảnh: D.H
Chính vì vậy, làm thêm giờ mà bỏ khống chế 30 giờ mỗi tháng là rất nguy hiểm. Nếu quy định làm thêm 4h/ngày, có 26 ngày công thì có thể người lao động phải làm thêm 104 giờ/ tháng. “Tôi đồng ý việc nới ra hơn 30 giờ, nhưng phải có mức trần. Còn nếu không có trần thì có những ngành nghề họ chỉ có thể làm rất vội trong vòng 4 tháng. Một tuần chỉ nghỉ có 1 ngày, chưa kể phải huy động cả công nhân nữa thì còn hơn 104 giờ” – bà Huyền kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến này, GS.TS Bùi Thị An cho biết, mặc dù làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu thực của người lao động, nhưng quy định cần chặt chẽ, vừa phải để đảm bảo sức khỏe và tái tạo sức lao động. Thậm chí, để bảo đảm quyền lợi tối đa cho người lao động, một số ý kiến đề nghị cần quy định tối đa giờ làm thêm trong tuần, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng, gây sức ép cho người lao động.
Bà Nguyễn Thanh Cầm (phải), Trưởng ban Chính sách Pháp luật (TƯ Hội LHPN Việt Nam), kết luận buổi tham vấn. Ảnh: D.H
Với những ý kiến của các đại biểu, bà Nguyễn Thanh Cầm khẳng định, các ý kiến đóng góp khác nhau của đại biểu nữ trí thứ vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn, sẽ là đóng góp hữu ích để Hội LHPNVN thấy chắc chắn hơn về lý luận và những ý kiến mà Hội đang tham gia ở các diễn đàn, liên quan đến dự luật.
“Qua đây, chúng tôi tiếp thu nhiều ý kiến để từ đó bổ sung cho các lý luận của Hội, với mong muốn được đông đảo đại biểu Quốc hội tán thành. Như các đại biểu khẳng định, Bộ luật Lao động dù rộng, dù khó, nhưng khó vẫn phải quyết tâm để làm, vừa mềm dẻo vừa giữ vững lập trường để tạo quyền lợi cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động nữ, tạo bình đẳng thực chất. Luật đưa ra có tính khả thi cao”, bà Thanh Cầm khẳng định.
Nguồn:Phunuvietnam.vn