Xuất khẩu sang Canada tăng 70% sau khi CPTPP có hiệu lực
Chỉ hơn 4 tháng sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu nội khối đã tăng đáng kể, trong đó riêng xuất khẩu sang thị trường Canada đã tăng lên khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ hơn 4 tháng sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu nội khối đã tăng đáng kể, trong đó riêng xuất khẩu sang thị trường Canada đã tăng lên khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước.
|
Doanh nghiệp ngành gỗ đang tận dụng cơ hội tốt từ CPTPP. Ảnh: Minh Tiến |
Tại phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng ngày 6-6, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, trong 4-5 tháng qua, thông qua Hiệp định CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên nội khối đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu Phó Thủ tướng đưa ra, xuất khẩu sang Canada đã tăng trên 70%, Mexico trên 8%. Đây là những nước Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do trước đó. Riêng đối với thị trường Nhật, Việt Nam đã có hiệp định trong khuôn khổ ASEAN, nhưng thương mại của Việt Nam với Nhật Bản cũng tăng 4%.
Thực tế, lấy ví dụ riêng đối với ngành gỗ, tham gia CPTPP đã mang lại cơ hội lớn thông qua việc cắt giảm thuế quan. Theo đó, một số đối tác chưa có hiệp định thương mại với Việt Nam đã xóa bỏ đa số các dòng thuế đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, văn phòng, nhà bếp ngay khi CPTPP có hiệu lực.
Cụ thể là, Peru sẽ xóa bỏ 32% số dòng thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu vào nước này trong lộ trình 6 năm, Mexico xóa bỏ 50% số dòng thuế đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 10 năm, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
“Điều này cho thấy CPTPP đã bắt đầu có tác dụng”, Phó Thủ tướng nói tại phiên chất vấn.
Tuy nhiên, việc tham gia CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao.
Thứ nhất: Các doanh nghiệp có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, như dệt may, phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ nếu muốn hưởng thuế 0% hoặc mức thuế thấp hơn hiện nay.
Thứ 2, Việt Nam cũng phải đối phó với hàng nước ngoài lợi dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi từ các FTA, trong đó có CPTPP.
Thứ 3, trong các FTA, nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép doanh nghiệp có thể kiện chính phủ trong các tranh chấp thương mại.
“Đây là những thách thức, đảm bảo chúng ta phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật, không để doanh nghiệp FDI khởi kiện chính phủ”, Phó Thủ tướng nói.
Chính phủ sẽ đẩy nhanh công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật và các văn bản pháp luật thực thi CPTPP. Tới nay, đã có 21 bộ, ngành và 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP. Chính phủ cũng đang xây dựng 8 luật liên quan trong cam kết CPTPP; 4 nghị định quy định chi tiết việc thực hiện một số điều liên quan tới Luật cạnh tranh, Luật sở hữu trí tuệ, Luật quản lý ngoại thương và Luật về an toàn thực phẩm.
Nguồn:Thesaigontime.vn