RCEP có thể là “cảng tránh bão” cho Việt Nam?
Những ảnh hưởng gián tiếp từ thương chiến Mỹ - Trung khiến các nước đàm phán RCEP có thêm động cơ tìm một thị trường mới và cân bằng hơn.
Ngày một nhiều quốc gia muốn tìm “cảng tránh bão” giữa một thế giới biến động. “RCEP có thể là một “cảng tránh bão” cho Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên của Bộ Công thương, ông Lương Hoàng Thái, nói với NCĐT.
Yếu tố Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc đã có những “ảnh hưởng gián tiếp” đến đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên cho hay.
Thế nhưng, chính tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, theo ông Thái, đang khiến các nước có thêm động cơ để sớm kết thúc tiến trình đàm phán RCEP, nhằm tạo ra một thị trường mới cân bằng hơn, ổn định hơn.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ tác động đến Trung Quốc, ông Thái nói “Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng” do phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu, với tỷ lệ thương mại chiếm tới 200% GDP, cao nhất khu vực chỉ sau Singapore.
Mục tiêu quan trọng nhất của RCEP là đồng bộ hóa các FTA mà ASEAN đã tiến hành với các đối tác. Muốn vậy, việc thúc đẩy cam kết cao hơn, sâu hơn trong FTA hiện hành, mang lại thêm giá trị giá tăng đối với mở cửa thị trường là vô cùng quan trọng.
Tuy nhiên, các khía cạnh chiến lược của RCEP cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với Mỹ đang ngày càng hướng nội, nhiều khả năng tạo ra một mô hình mới. Do đó, vai trò của Trung Quốc trong đàm phán RCEP đang là một yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Mối quan tâm này là có cơ sở. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong vòng 10 năm tính đến hết năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng khoảng 15 lần, đạt mức 50,6 tỷ USD, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chỉ tăng khoảng 4 lần, đạt 46,5 tỷ USD.
Hơn nữa, IMF còn cho rằng Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất đối với các thành viên RCEP. Sự phụ thuộc kinh tế nặng nề hơn vào Trung Quốc, nơi sẽ trở thành trung tâm kinh tế khu vực, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Mỹ theo hai cách.
Một là, RCEP sẽ làm giảm sự phụ thuộc của châu Á vào thị trường Mỹ. Các sản phẩm và doanh nghiệp của Mỹ sẽ bị phân biệt đối xử ở thị trường Đông Á do mức thuế cao hơn đối với hàng xuất khẩu từ Mỹ, do đó ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Hai là, RCEP bao gồm các đồng minh quan trọng của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia và các đối tác chiến lược như Ấn Độ, Indonesia, Singapore và Việt Nam. Sự phụ thuộc kinh tế của các nước với Trung Quốc có thể mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy chiến lược với chính các đồng minh này của Mỹ.
Trưởng đoàn đàm phán RCEP, bà Nguyễn Quỳnh Nga, hôm 19.5, buộc phải trấn an dư luận bằng khẳng định: “ASEAN luôn giữ vai trò trung tâm và luôn dẫn dắt các đàm phán” và “Trung Quốc không giữ vai trò dẫn dắt đàm phán RCEP như đồn đoán”.
Lưu ý để có “cảng tránh bão”
Trên thực tế, thị trường RCEP bao phủ chuỗi sản xuất của nhiều sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. RCEP cũng là khu vực tạo điều kiện gần như lớn nhất cho Việt Nam trong việc thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Hiện, các nước tham gia RCEP đang đàm phán những nội dung cuối cùng, giai đoạn khó khăn nhất giữa lúc thế giới đang biến động sâu sắc. Ông Lương Hoàng Thái nói “thương mại hàng hóa là lĩnh vực Việt Nam quan tâm”.
Một điểm nữa được ông Thái nói với NCĐT là "rất quan trọng", RCEP được xây dựng căn cứ trên 5 hiệp định đã có với 6 nước đối tác của ASEAN, các tiêu chuẩn của hiệp định này tương đối phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.
Nếu tách riêng từng hiệp định, khả năng doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi của những hiệp định thương mại giữa ASEAN và các nước đối tác là “tương đối hạn chế”. Ông Thái tin rằng việc kết hợp 5 hiệp định đã có, khả năng tận của các doanh nghiệp nước ta sẽ cao hơn rất nhiều.
Theo JETRO, hiện có hơn 33% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu RCEP có hiệu lực, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu của Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bởi Trung Quốc cũng là thành viên trong RCEP.
Thế nhưng, để RCEP thực sự là “cảng tránh bão” cho Việt Nam, ông Thái nói rằng: “Cần đặc biệt lưu ý những lĩnh vực Việt Nam có lợi ích cao nhất: Việt Nam được các nước mở cửa thị trường và Việt Nam mở cửa thị trường cho các nước”.
Phần thứ nhất, những lĩnh vực Việt Nam có cơ hội mở cửa thị trường, cần nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất. Đặc biệt về quy tắc xuất xứ, làm sao để doanh nghiệp tận dụng được. Chẳng hạn, với việc giảm thuế, doanh nghiệp phải tận dụng được ưu đãi này.
Ở phần thứ hai, Việt Nam phải mở cửa thị trường cho các nước, với những mặt hàng của nước ta có thể bị xáo trộn khi phải cạnh tranh với nước ngoài, cần loại bỏ những mặt hàng này ra khỏi cam kết.
Hiệp định RCEP cho phép điều này xảy ra do mức độ cam kết chỉ khoảng 90-92%. Ông Thái dẫn chứng lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng 10% còn lại, các nhà đàm phán có thể lựa chọn và loại bỏ một số mặt hàng khó chuyển đổi cơ cấu để tranh xáo trộn thị trường trong nước.
Một điểm nữa, RCEP trong giai đoạn đầu sẽ loại bỏ thuế quan ngay lập tức cho 65% hàng hoá – chiếm khoảng từ 8.000 đến 9.000 mặt hàng, 20% hàng hoá thương mại tiếp theo sẽ được loại bỏ trong vòng 10 năm kể khi RCEP có hiệu lực.
RCEP cũng tiếp tục thảo luận về thuế quan với 15% hàng hóa thương mại còn lại nhằm cắt cắt ngắn danh sách hàng hóa nhạy cảm. “Cố gắng có một lộ trình phù hợp với những mặt hàng nhạy cảm mà nước ta cam kết”, ông Thái khuyến cáo.
Nguồn:Nhipcaudautu.vn