Việt Nam giữa dòng xoáy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Cuộc "so găng" giữa hai “ông lớn” Mỹ - Trung đang kéo theo cuộc đại dịch chuyển của các tập đoàn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn sang VN.
Nhưng ở chiều ngược lại, khi đồng nhân dân tệ đang bị phá giá ngày càng mạnh, những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản... Việt Nam cũng dần ngấm đòn nặng nề.
“Hút” đại gia FDI từ Trung Quốc
Những thay đổi rõ nét có thể nhận thấy tại vùng đất phía bắc gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng... đang ngày càng trở thành khu công nghiệp sầm uất. Bùi Việt Cường, công nhân của Công ty TNHH Fuhong Precision Component (khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang), cho biết kể từ khi làm việc tại đây với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, anh đang cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn so với trước kia phải đi làm thêm đủ thứ nghề.
Tương lai của những lao động này, cũng như của các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp chắc chắn sẽ còn đổi thay mạnh hơn nữa khi ngày 5.5, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên tài khoản Twitter của mình tiếp tục áp thuế nhập khẩu lên 200 tỉ USD với hàng Trung Quốc nhập khẩu. Theo sau dòng “tweet” đó, lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Mỹ nói rằng: “Nhiều công ty chịu thuế sẽ rời bỏ Trung Quốc và tìm đến VN hay các nước châu Á khác”.
Trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển đầu tư này, các DN bất động sản, khu công nghiệp, lao động VN... đang hưởng lợi rất lớn, TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV.
Foxconn, công ty sản xuất linh kiện điện tử lớn nhất thế giới, đối tác gia công của Apple đã “né” cuộc chiến này bằng tuyên bố lập nhà máy ở VN nhằm đảm bảo có một cơ sở sản xuất bổ sung bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Hai địa điểm được tập đoàn này nhắm tới gồm Bắc Giang và Quảng Ninh. Trong đó, tại Bắc Giang, Foxconn đã thanh toán 16,5 triệu USD cho Công ty Fuhua để đổi lấy quyền sử dụng 250.000 m2 đất tại một khu công nghiệp.
Một “ông lớn” khác là Goertek - nhà cung cấp thiết bị chính cho Apple, chuyên dòng tai nghe không dây Airpod, cũng xác nhận sẽ chuyển đến VN và dự tính xây dựng nhà máy với tổng vốn đầu tư 260 triệu USD tại Bắc Ninh.
HL Corp., chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp ở Thâm Quyến (Trung Quốc), tuyên bố với các nhà đầu tư sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang VN, từ đó "giảm và tránh" được những tác động của mức thuế ngày càng cao của chính quyền Tổng thống Trump đánh vào xe đạp điện và các linh kiện liên quan. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài như Nhật Bản đã bắt đầu tìm kiếm đến thị trường VN và một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia để mở nhà máy mới. Công ty sản xuất ăng ten tự động cho ô tô Yokowo có 70% hoạt động sản xuất ở các nhà máy tại Trung Quốc cũng đang tăng tốc chuyển dây chuyền sản xuất của mình sang VN. DN này đã đẩy mục tiêu hoàn thành việc di dời lên cuối năm nay thay vì giữa năm 2020 như kế hoạch ban đầu...
Thủy sản, dệt may VN có cơ hội lớn giành lấy thị phần của Trung Quốc tại Mỹ. ẢNH: CÔNG HÂN - NGỌC THẮNG.
Sự dịch chuyển thể hiện rõ qua số liệu của Tổng cục Thống kê trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký và mua cổ phần, góp vốn vào VN đạt 14,6 tỉ USD, tăng 81% so cùng kỳ năm 2018. Vốn FDI thực hiện ước đạt 5,7 tỉ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Các quốc gia dẫn đầu gồm có Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản…
TS Cấn Văn Lực, Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, dẫn số liệu của Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) tại Trung Quốc và một số khảo sát khác cho thấy, khoảng ít nhất 30% DN Mỹ, gần 50% DN các quốc gia khác tại Trung Quốc đang có ý định dịch chuyển đầu tư sang Đông Nam Á, trong đó có VN. Theo TS Lực, trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển đầu tư này, các DN bất động sản, khu công nghiệp, lao động VN... đang hưởng lợi rất lớn.
Hàng giá rẻ Trung Quốc tràn sang
Nhưng ở chiều ngược lại, tác động tiêu cực của cuộc chiến khiến DN Việt cũng ngấm đòn. Đặc biệt là động thái “phá giá” nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc. Hãng CNBC cuối tuần qua đưa tin, tỷ giá CNY/USD đã khá ổn định trong năm nay khi Mỹ và Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại. Nhưng kể từ khi Tổng thống Donald Trump “tweet” về mức thuế mới ngày 5.5, CNY đã mất 2,7% so với USD. Hiện tại, cặp tỷ giá này đang tiến sát về ngưỡng 1 USD đổi được 7 CNY. Nếu ngưỡng tâm lý quan trọng này bị phá vỡ, nó sẽ kéo theo tất cả cặp tỷ giá khác trên thế giới chao đảo, trong đó có VND.
Nếu nhân dân tệ giảm giá mạnh thì hàng nhập Trung Quốc rẻ hơn và ngược lại, hàng VN đắt hơn khi xuất vào Trung Quốc. Với bất kỳ tình huống nào, việc lựa chọn giải pháp cũng mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Tại VN, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ cuối năm 2018, tỷ giá VND/USD trung tâm ở mức 22.825 đồng/USD, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.200 đồng/USD, tăng lần lượt 1,78% và 2,16% so với cuối năm 2017, tương đối ổn định so với các đồng tiền mới nổi. Từ đầu năm đến giữa tháng 4, xu hướng tiếp tục ổn định.
Dẫu vậy từ giữa tháng 4, khi cuộc chiến thương mại bùng lên, tỷ giá bắt đầu tăng rất nhanh. Cuối tuần qua, tỷ giá trung tâm ở mức 23.054 đồng/USD, tăng gần 1% so với cuối năm 2018; tỷ giá giao dịch Vietcombank niêm yết ở mức 23.330 đồng/USD và bán ra 23.450 đồng/USD, tăng 0,6 -0,7%/USD.
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, VND mới chỉ tăng giá nhẹ so với USD, nhưng nhân dân tệ lại mất giá mạnh. Điều đó sẽ khiến hàng Trung Quốc vào VN rẻ hơn và có lợi cho những nhà nhập khẩu, nhưng ngược lại sẽ rất bất lợi cho các DN xuất khẩu. Số liệu của hải quan cho thấy, trong suốt chục năm qua, VN nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc, bình quân khoảng 10%/GDP. Riêng trong năm 2018, giá trị hàng VN xuất sang Trung Quốc hơn 41 tỉ USD, nhưng nhập về hơn 65 tỉ USD. Nếu Trung Quốc phá giá nhân dân tệ, đó thực sự là thách thức không nhỏ với nhiều ngành nghề của VN, đặc biệt là nông sản, khi thị trường này chiếm 35,7%; tiếp đến máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 28,5%...
Hiện đang có hơn 150 DN Việt tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 đơn vị xuất khẩu cá tra, basa, và gần 50 công ty bán tôm, cùng một số DN hải sản khác. Mặc dù vẫn đứng thứ 4 trong top các thị trường nhập khẩu thủy sản VN, nhưng tỷ trọng của thị trường Trung Quốc trong tổng xuất khẩu thủy sản VN giảm rõ rệt từ 15% năm 2017 xuống còn 14% năm 2018 và tiếp tục xuống 12% trong quý 1/2019.
Ở chiều ngược lại, hàng Trung Quốc rẻ hơn, giúp các DN có đầu vào nguyên liệu giá hời hơn, tuy nhiên nó lại kích thích DN thay vì nhập nguyên liệu sẽ nhập hàng về bán cạnh tranh với hàng nội địa. Rủi ro nhất nằm ở nhóm các sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, khi Trung Quốc xuất sang VN 12,02 tỉ USD. VN có thể trở thành bãi đỗ cho máy móc, thiết bị cũ từ bên kia biên giới tràn vào.
TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, lo ngại khi không thể xuất hàng sang Mỹ, hàng hóa Trung Quốc, nhất là các loại hàng gia dụng sẽ tràn sang VN, cả con đường chính thức và tiểu ngạch. Với hàng hóa nhập khẩu chính thức, cơ quan chức năng có thể kiểm tra nguồn gốc chất lượng, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, yếu tố môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Đối với đường tiểu ngạch, VN có đường biên giới với Trung Quốc rất dài và việc quản lý từ trước tới nay rất khó khăn. Hàng hóa Trung Quốc tràn vào nhiều, giá giảm, cạnh tranh gay gắt. Một số DN của VN có thể không còn sức để cạnh tranh. Thậm chí DN trì trệ, không bán được hàng sẽ phá sản.
Áp lực với VND
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là liệu Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ thêm 5%, 10% hay bao nhiêu phần trăm, và nền kinh tế sẽ chịu tác động như thế nào? Chúng ta có nên phá giá theo?
Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), nếu Trung Quốc chọn giải pháp phá giá để trả đũa Mỹ, áp lực giảm giá lên VND sẽ tăng lên đáng kể do 2 nguyên nhân chính. Một là NHNN phải chủ động hạ giá VND để tránh làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN đối với các quốc gia mới nổi khác. Hai là dòng vốn đầu tư có thể xuất hiện tình trạng rút lui khỏi các thị trường mới nổi do quan ngại suy thoái tại Trung Quốc, do đó gây sức ép lên VND.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Trịnh Quang Anh, phân tích theo đánh giá gần đây của một số tổ chức quốc tế, VND được cho là có mức độ ổn định nhất so với nhiều đồng bản tệ của các nước trong khu vực. VND chỉ mất giá có 1,22% cả năm 2016, lên giá 0,21% năm 2017, lại mất giá 2,14% năm 2018 và rớt giá tiếp 0,56% tính từ đầu năm tới nay (xét tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giao ngay). “Do đó, VN hiện không nên theo đuổi chính sách phá giá nội tệ để giành lợi thế thương mại như một vài nền kinh tế mới nổi khác. Bởi bên cạnh mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, VN vẫn cần thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong giai đoạn cải cách cấu trúc kinh tế trong nước. Quan trọng hơn, nhiều năm nay nhất quán theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, TS Anh khuyến cáo.
Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, TS Lê Xuân Nghĩa, bày tỏ quan điểm: “Nếu nhân dân tệ giảm giá mạnh thì hàng nhập Trung Quốc rẻ hơn và ngược lại, hàng VN đắt hơn khi xuất vào Trung Quốc. Với bất kỳ tình huống nào, việc lựa chọn giải pháp cũng mang cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Nếu chủ động hạ giá tiền đồng sẽ giúp hàng xuất khẩu Việt tăng lợi thế cạnh tranh so với các nước. Tuy nhiên, cũng phải tính toán cẩn trọng, nếu không Mỹ có thể cho rằng VN thao túng tiền tệ và dễ dẫn đến việc bị áp thuế tương tựTrung Quốc”.
Phân tích thêm về tác động của việc phá giá đồng nhân dân tệ, TS Trần Du Lịch thẳng thắn cho rằng, không nên vì Trung Quốc phá giá mà VN phá giá VND theo. Theo TS Lịch, thời gian qua VN đã phấn đấu để duy trì được niềm tin của người gửi tiền, niềm tin vào VND, tạo lập và giữ được như hiện nay là quá tốt nên không thể để mất niềm tin./.
Nguồn: Nguoilambao.vn