Bộ KH&ĐT chỉ rõ 3 thông tư "làm khó" doanh nghiệp
Nhận định trong quý I/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho rằng, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể và đặc biệt 3 thông tư của một số bộ ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Vừa tạo gánh nặng vừa gây tốn kém
Theo Bộ KH&ĐT, thủ tục kiểm tra formaldehyte với hàng dệt may theo Thông tư số 21/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương không những không giảm gánh nặng cho doanh nghiệp mà thậm chí còn gây tốn kém hơn nhiều so với trước.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021.
|
Ảnh minh họa |
Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6/2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, trong quý I/2019, nhiệm vụ này chưa có thêm chuyển biến nào được ghi nhận.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chưa có văn bản mới về quản lý, kiểm tra chuyên ngành được ban hành trong quý I/2019, nhưng có một số văn bản có hiệu lực thi hành từ 2019. Có 3 thông tư gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được Bộ KH&ĐT nhắc đến.
Theo đó, Thông tư số 21/2017/TT-BCT ngày 23/10/2017 của Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyte và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (có hiệu lực từ ngày 1/5/2018, sau đó lùi hiệu lực thi hành đến ngày 01/01/2019) đã và đang tiếp tục gây khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí của doanh nghiệp trong kiểm tra formaldehyte. Cụ thể, yêu cầu áp dụng kiểm tra hợp quy theo lô không những không giảm gánh nặng cho doanh nghiệp mà thậm chí còn gây tốn kém hơn nhiều so với trước (vì vừa mất thời gian và chi phí kiểm tra theo lô như trước đây, vừa tốn kém thời gian và chi phí cho việc dán tem QR).
Còn 2 thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thông tư số 35/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản) được ban hành ngày 25/12/2018, nhưng có hiệu lực kể từ ngày 10/2/2019 đã có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực kiểm dịch.
Với việc ban hành 2 thông tư này, một số cải cách về kiểm dịch đã được thực hiện như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, một đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với một mặt hàng. Tuy nhiên, ngay sau khi văn bản có hiệu lực, doanh nghiệp đã gặp vướng mắc do một số quy định thiếu rõ ràng, dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp và do đó dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng tại cảng.
“Có thể nói quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, việc chậm trễ trong thực hiện cải cách công tác này sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí và thời gian, làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và đi ngược với các cam kết mà nước ta đã tham gia trong các Hiệp định thương mại tự do”, đại diện Bộ KH&ĐT nhận định.
Đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Trong quý I, Bộ KH&ĐT đã rà soát, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành tại Phụ lục kèm theo Luật Đầu tư. Theo đó, đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề; sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề (để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp và Luật Báo chí). Danh mục này ban hành kèm theo Luật Đầu tư (đang dự thảo sửa đổi), dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2019.
|
Ảnh minh họa |
Đồng thời, Bộ KH&ĐT đang thực hiện nghiên cứu, đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018 (dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019). Theo rà soát sơ bộ về chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh của 4 bộ cho thấy trung bình số điều kiện kinh doanh cắt giảm thực chất, thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mới đạt hơn 30%.
Một số ít bộ như Bộ Công Thương tiếp tục có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ. Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, việc triển khai nội dung này còn chậm so với kế hoạch đặt ra.
Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.
Từ thực tiễn trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi. Đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt.
Đồng thời, các bộ, cơ quan đẩy mạnh thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành; tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa.
“Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết ở cả trung ương và địa phương cũng như trong từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Đồng thời, yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết để đảm bảo những cải cách đem lại thay đổi thực chất cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị.
Nguồn:Petrolimex.vn