Lợi ích lớn nhất của CPTPP: Cải cách thể chế, không phải kinh tế

Theo các chuyên gia, lợi ích lớn nhất mà CPTPP mang lại cho Việt Nam là đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế chứ không phải khía cạnh kinh tế.

Tháng 3/2018, cả Việt Nam hân hoan khi nghe tin Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết tại Chile, bởi nhiều người xem CPTPP là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam bứt phá. Còn theo một báo cáo của Word Bank, từ nay đến năm 2030, CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 1,1% trong điều kiện bình thường và 3,5% nếu Việt Nam dốc toàn lực kích thích tăng năng suất.

Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Hưng - Phó Trưởng phòng Pháp chế - VCCI HCM – một chuyên gia trong lĩnh vực này lại không lạc quan đến thế.

Ông Hưng cho rằng, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có thể nhận được từ CPTPP chính là đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế của Chính phủ, còn lợi ích ở khía cạnh kinh tế không nhiều.

Trong 11 nước tham gia CPTPP tính cho tới thời điểm này, chỉ có Chile, Canada, Mexico và Peru là chưa từng tham gia các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nôm na là hàng hóa chúng ta xuất qua họ chưa có các ưu đãi về thuế cao như 7 nước còn lại. Tuy nhiên, nếu xét kỹ cơ cấu kinh tế cũng như tình hình giao thương của 4 nước này, thì cơ hội của Việt Nam ở 4 thị trường mới này không quá ấn tượng như mọi người đồn thổi.

Đầu tiên, chúng ta hãy nói về Peru và Chile, nhìn vào danh mục xuất khẩu có thể thấy nhiều mặt hàng thế mạnh của họ giống Việt Nam như cà phê, thủy sản, trái cây… Đó là chưa nói, về mặt địa lý, Peru và Chile cũng không thuận lợi cho các việc xuất khẩu từ Việt Nam. Trường hợp Mexico, ngành dệt may của đất nước này mạnh chẳng thua gì Việt Nam; phần Canada, từ lâu họ đã có ưu đãi thuế cho Việt Nam theo kiểu nước giàu giành cho nước nghèo.

Mặt khác, chúng ta còn phải chịu sự cạnh lớn từ Malaysia – thành viên của CPTPP và Thái Lan (có thể gia nhập Hiệp định này vào tháng 5 tới) ở cả lĩnh vực xuất khẩu lẫn thu hút đầu tư.

“Dù Việt Nam đã chính thức thông qua CPTPP đầu năm 2019, tuy nhiên không phải chúng ta sẽ thực hiện tất cả các điều khoản trong Hiệp định, bởi thể chế và luật pháp Việt Nam chưa tương thích với chúng.

Việt Nam sẽ bảo lưu sở hữu trí tuệ về âm thanh và mùi hương trong 3 năm, bảo lưu điều khoản cho phép các doanh nghiệp tự làm C/O - nguồn gốc xuất xứ từ 5 đến 10 năm, bảo lưu điều khoản về đầu tư trong 3 năm, bảo lưu điều khoản không cần đặt máy chủ ở Việt Nam trong 5 năm…”, ông Vũ Xuân Hưng cho biết.

Bên cạnh đó, một trong những luật chơi khác biệt nhất của CPTPP so với các FTA khác là sẽ giải quyết tranh chấp trực tiếp chứ không phải gián tiếp. Nếu một thành viên vi phạm những quy định của Hiệp định, nước đó không chỉ bị mời lên giải trình ở Hội đồng CPTPP mà còn bị phạt tài chính, hoặc nếu doanh nghiệp cảm thấy Chính phủ đã đối xử bất công với mình, có thể đi kiện Chính phủ.

Tất nhiên, trước những quy định cứng rắn đó, ngoài việc phải bảo lưu như đã đề cập ở trên, Việt Nam đồng thời cũng phải nhanh chóng sửa các luật để chúng tương thích với CPTPP trước khi hết thời hạn bảo lưu. Muốn không bị kiện cáo bởi các thành viên khác trong CPTPP, Việt Nam buộc phải nhanh chóng cải cách thể chế - sửa luật.

Có một điều đặc biệt nữa, trong khi các doanh nghiệp FDI cực kỳ quan tâm tới CPTPP và họ thường xuyên tới các cuộc họp của Chính phủ về triển khai CPTPP để tranh cãi bảo vệ quyền lợi của bản thân, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) quốc nội lại khá thờ ơ. Phải chăng, SMEs của Việt Nam cũng nghĩ như ông Hưng là họ không có nhiều cơ hội lớn với CPTPP?

Ông David Thanh Giang (trái) và ông Vũ Xuân Hưng

Là một người đã nghiên cứu CPTPP trong nhiều năm, ông David Thanh Giang – doanh nhân kỳ cựu từ Canada, không đồng ý với quan điểm của ông Vũ Xuân Hưng. Bởi, mục đích mà cựu Tổng thống mỹ Barack Obama khởi xướng TPP (tiền thân của CPTPP) là để giúp SMEs giảm chi phí khi giao thương chứ không phải giúp các doanh nghiệp lớn hay FDI.

Song song đó, muốn phát huy cao nhất lợi ích từ SMEs, thay vì đợi doanh nghiệp đến với mình, Chính phủ Việt Nam hãy chủ động đến với doanh nghiệp, như cách Chính phủ Canada đang làm.

Ông Giang suy đoán rằng, có thể khoảng 1 đến 2 năm nữa, Mỹ sẽ quay trở lại CPTPP, nên Canada – quốc gia có những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh giống Mỹ, đang “điên cuồng” cổ động doanh nghiệp của họ đến thị trường Đông Nam Á như Singapore hay Việt Nam chiếm tiên cơ.

Sau khi chính thức thông qua CPTPP vào tháng 10/2018, Canada đã thành lập một Ủy ban chuyên trách về vấn đề này, sau đó Ủy ban này đã soạn ra những điều luật rõ ràng chi tiết rồi đến phát tận tay các doanh nghiệp cùng lời hứa: họ sẽ thưởng 50 ngàn CAD cho bất cứ ai tìm được khách hàng mới. Trước những nỗ lực của Chính phủ, số lượng xuất khẩu thịt bò và cam của Canada vào khối CPTPP đang tăng trưởng đáng kể trong gần 5 tháng qua.

Mặt khác, điều ông Giang lo nhất, không phải là chuyện Chính phủ hoặc doanh nghiệp chúng ta bị kiện trực tiếp, mà là chúng ta không hề có hệ thống Tóa án độc lập như quy định của CPTPP để xử các vụ kiện cáo đó.

CPTPP có điều khoản, nếu Chính phủ, Cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nước nào mắc lỗi, người bị hại có thể kiện trực tiếp tổ chức đó và Tòa án độc lập (không liên quan đến nguyên đơn hay bị đơn) tại nước đó sẽ đứng ra xét xử. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chúng ta không hề có bất cứ Tòa án độc lập nào, còn trong tương lai ông cũng không chắc là sẽ có.

Trong tất cả, ông lo lắng cho ngành Hải quan nhất, vì theo quy định của CPTPP, tất cả hàng hóa nhập khẩu đều phải cho thông quan trong vòng 48 tiếng, kể cả trong trường hợp tranh chấp giữa Hải quan và doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn được lấy hàng về và sẽ giải quyết tranh chấp sau. Hiện tại, lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Việt Nam vẫn có nhiều giấy phép con chưa hợp lý, ví dụ như giấy phép nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng hải sản…

Cùng những động thái cải cách thể chế quyết liệt mà Chính phủ Việt Nam đang thể hiện như lời ông Hưng, ông Giang hy vọng những lo lắng của mình là thừa.

Nguồn:Theleader.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/