Doanh nghiệp chớp thời cơ từ các FTA

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia tới 16 FTA, trong đó, 10 FTA đã ký kết và có hiệu lực. Việc tham gia hàng loạt các FTA, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn mở ra những cơ hội mới cho hàng hóa xuất khẩu cũng như nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, nếu biết tận dụng các cơ hội.

DN cần làm chủ cuộc chơi

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá định lượng về lợi ích và cơ hội của các FTA, đặc biệt là CPTPP đối với Việt Nam, tác động của việc cắt giảm thuế quan trong  CPTPP, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm xuất khẩu là trên 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP sẽ tăng thêm ở mức 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương với 2,61 tỷ USD. CPTPP chỉ là một trong hàng loạt các cơ hội đến từ việc Việt Nam mở cánh cửa hội nhập sâu rộng. Với Hiệp định thương mại EVFTA, bài toán gia tăng xuất khẩu cũng khá khả thi. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4%-6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Giả sử, EVFTA có hiệu lực vào năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA. 

Một trong những ngành có nhiều ưu thế nhất khi Việt Nam tham gia các FTA, trong đó có CPTPP phải kể đến ngành dệt may. Theo đó, Hiệp định sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). Đối với những nước mà Việt Nam chưa có FTA, việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2025 sẽ đạt 50 tỷ USD, tăng gần gấp đôi năm 2015 với 27 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi có được từ các FTA, DN ngành dệt may cũng cần phải cẩn trọng với những bước đi của mình nếu không muốn “cuộc chơi” do người khác làm chủ. Ông Cao Hữu Hiếu- Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, với các FTA, CPTPP và EVFTA sắp có hiệu lực, nếu như không cẩn trọng và có bước đi thích hợp, doanh nghiệp Việt sẽ phải nhường thị phần cho các DN FDI vốn có lợi thế hơn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, con người. 

Khi đó, nhiều DN FDI sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam, vừa để tận dụng các lợi thế miễn giảm thuế từ các FTA, vừa tránh ảnh hưởng, giảm ảnh hưởng nếu có rủi ro kịch bản căng thẳng thương mại với Mỹ trong tương lai. Nếu như vậy, kịch bản tăng trưởng của toàn ngành dệt may vẫn sẽ tốt, chỉ có tăng trưởng khu vực DN nội là đáng quan ngại. 

“Các DN dệt may Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường. Doanh nghiệp may làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như DN sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua các khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra”- ông Hiếu lưu ý.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Có thể nói, với việc tham gia các FTA như CPTPP và EVFTA, cơ hội xuất khẩu hàng hóa, tăng trưởng và mở rộng các thị trường đối với DN Việt Nam là rất lớn …, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, một số mặt hàng dệt may và da giày…

Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, việc tham gia các FTA đặt ra yêu cầu các DN Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường nhất định, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng phức tạp và khó đoán định. 

Bên cạnh đó, các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi các Hiệp định có hiệu lực. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển của DN, tăng năng suất lao động, giảm dần tỷ lệ các công đoạn gia công lắp ráp, chuyển dần lên các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao...

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế của các FTA, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô một cách kịp thời, linh hoạt, hợp lý và củng cố, ổn định hệ thống và thị trường tài chính trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. Cụ thể, người đứng đầu ngành Công thương nêu rõ: Việt Nam cần phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu nhằm giải quyết vấn đề nhập siêu và bình ổn cán cân thanh toán; vận dụng các biện pháp phi thuế quan như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ các ngành trong nước cần bảo hộ đứng trước sự cạnh tranh để phát triển và xuất khẩu…

Nguồn:Đaidoanket.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/