Cẳng thẳng thương mại quốc tế: Gia tăng nguy cơ gian lận xuất xứ

Gian lận qua xuất xứ hàng hóa (C/O) không phải là mới, nhưng trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế có xu hướng gia tăng lại là nguyên nhân của tình trạng gian lận xuất xứ để chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Phòng ngừa các hành vi này, cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm, ngăn chặn.

Đấu tranh chống chuyển tải bất hợp pháp

Theo Tổng cục Hải quan, hiện tượng gian lận thương mại thông qua xuất xứ hàng hóa có xu hướng gia tăng. Có thể “nhận diện” các hành vi như: Gian lận xuất xứ để chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, đặc biệt là các mặt hàng bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhằm lẩn tránh bị áp dụng các loại thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…; hàng hóa không thuộc các nước thành viên trong FTA nhưng chuyển tải qua nước thành viên để giả mạo xuất xứ hưởng ưu đãi thuế quan; các DN (đặc biệt là các DN có vốn đầu tư nước ngoài) chỉ thực hiện sản xuất, gia công công đoạn đơn giản chưa đáp ứng tiêu chí xuất xứ nhưng vẫn khai xuất xứ Việt Nam (ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp C/O hoặc làm giả C/O) để xuất khẩu sang nước thứ 3.

Đáng chú ý, về các hành vi gian lận xuất xứ có thể diễn ra, trong một báo cáo mới đây gửi tới Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan nhận định, thủ đoạn của các đối tượng có thể là lợi dụng xuất xứ Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nhằm lẩn tránh các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… như NK hàng hóa qua các cửa khẩu Việt Nam sau đó thay đổi nhãn mác, xuất xứ thành “Made in Việt Nam” ngay tại khu vực cửa khẩu nhập và xin cấp chứng nhận xuất xứ để xuất đi các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản…

Hay có tình trạng làm giả C/O để lẩn tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, EU, Nhật Bản… như có thể làm giả C/O Việt Nam nhưng thực tế hàng hóa không được NK vào Việt Nam hoặc khi hàng hóa NK ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì làm giả C/O có xuất xứ Việt Nam để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt hoặc lẩn tránh các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản. Lợi dụng khai sai tiêu chí xuất xứ để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt khi NK hàng hóa vào Việt Nam.

Cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành

Đề cập đến các giải pháp kiểm soát C/O, Tổng cục Hải quan cho rằng, giải pháp căn bản hiện nay là phải tăng cường áp dụng C/O điện tử và chia sẻ thông tin giữa các nước là thành viên trong các FTA.

Đối với kiểm soát xuất xứ hàng XK từ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ trong quá trình cấp để không xảy ra tình trạng DN lợi dụng xuất xứ Việt Nam để XK sang các thị trường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam khi XK hàng hóa sẽ bị áp dụng thuế chống bán pháp giá, thuế trợ cấp, thuế tự vệ ở mức rất cao, dễ dẫn đến nguy cơ không thể XK hàng hóa vào các thị trường này. Đặc biệt, không thực hiện cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho các DN có nghi vấn gian lận xuất xứ.

Cơ chế phối hợp của các cơ quan có liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc chống gian lận xuất xứ. Do đó, các cơ quan như Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… cần tăng cường phối hợp để trao đổi thông tin, kiến nghị các giải pháp chống gian lận xuất xứ.

Đi sâu vào các giải pháp cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, để phòng ngừa các hành vi gian lận, cần sự chung tay của các bộ, ngành chức năng, trong đó vai trò của cơ quan cấp chứng nhận C/O rất quan trọng. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, cần thành lập Tổ chuyên trách thường xuyên, chủ động tra cứu các mặt hàng mà Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản… áp thuế chống bán phá giá và áp dụng cụ thể đối với các nước nào. Thực hiện phân tích, đánh giá số liệu kịp thời phát hiện DN thực hiện NK, XK tăng đột biến các mặt hàng trong danh sách mặt hàng bị áp chống bán phá giá hoặc đang điều tra để thực hiện kiểm tra, ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp.

Song song đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện sớm các trường hợp gian lận xuất xứ như VCCI, Cục Quản lý cạnh tranh, Cục XNK (Bộ Công Thương); Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Bộ Công an… nhằm xác định các mặt hàng NK, XK trọng tâm, trọng điểm, có kim ngạch lớn bất thường ở từng thời điểm để tăng cường công tác kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận chuyển tải bất hợp pháp.

Để quản lý xuất xứ hàng hóa XNK, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã đưa ra nhiều biện pháp tăng cường quản lý. Trong năm 2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa. Đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng quy định cụ thể, thống nhất, minh bạch thủ tục xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan và DN trong việc thực hiện và tra cứu; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Bên cạnh đó, Cục Giám sát quản lý về hải quan cho biết, đơn vị cũng đã triển khai nhiều văn bản hướng dẫn hải quan địa phương thực hiện tra cứu mẫu dấu, chữ ký trên hệ thống; xây dựng quy trình chống gian lận xuất xứ, chống chuyển tải bất hợp pháp… Việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định về xuất xứ hàng hóa đã được triển khai thực hiện ở một số cục hải quan tỉnh, thành phố, qua đó đã phát hiện được các sai sót trong quá trình triển khai thực hiện, chấn chỉnh kịp thời hải quan địa phương khắc phục các sơ hở khi thực hiện công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa. 

Nguồn:baohaiquan.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/