Phát triển trung tâm công nghiệp hỗ trợ là kỳ vọng lớn
Phát triển và hỗ trợ cho CNHT đang là mục tiêu lớn mà Bộ Công Thương cũng như nhiều địa phương, doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng.
Mục tiêu chung của Bộ Công Thương đặt ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là đến năm 2020, sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) CNHT đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài việc tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, sự nỗ lực của Chính phủ cũng như các DN, việc hình thành những trung tâm nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ cho CNHT đang là mục tiêu lớn mà Bộ Công Thương cũng như nhiều địa phương, doanh nghiệp mong muốn và kỳ vọng.
Thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương, việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp nhằm mở rộng và phát triển CNHT vẫn chưa đạt theo kế hoạch. Hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp, việc lựa chọn bố trí dự án đầu tư vào cụm công nghiệp ở nhiều địa phương vẫn chưa chú ý đúng mức yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội...
|
Các khu công nghiệp cho CNHT đang là mục tiêu trong phát triển CNHT của Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do thời điểm phê duyệt khác nhau nên mặc dù có nhiều cụm CNHT đã nằm trong quy hoạch phát triển, nhưng khi triển khai thành lập lại “vướng” vào một số diện tích đất không phải của cụm công nghiệp, hoặc mục đích sử dụng đất chưa được cập nhật.
“Cần phải làm rõ việc thực hiện thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cũng như đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch liên quan trước làm cơ sở để quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp”, ông Thắng nêu khúc mắc.
Liên quan đến những vướng mắc về hạ tầng, ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, các dự án CNHT đầu tư vào cụm công nghiệp chỉ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi nào đã có hạ tầng kỹ thuật là đường, điện và hệ thống xử lý nước thải…
“Điều này là hạn chế huy động vốn của chủ đầu tư và lợi thế về thời gian của doanh nghiệp tham gia xây dựng và kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp, giảm chỉ số cạnh tranh của tỉnh”, ông Hùng băn khoăn.
Với những vướng mắc này, ông Hùng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh thời gian, trình tự thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và thành lập, mở rộng cụm công nghiệp phù hợp với quy chế hoạt động của tỉnh. “Chính phủ nên giao cho Sở Công Thương chủ trì tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp… để tạo thuận lợi cho quản lý cụm công nghiệp ngay từ khâu quy hoạch, thành lập, hoạt động sản xuất trong cụm CNHT và giảm các thủ tục hành chính”, ông Hùng đề xuất.
Nguồn:vov.vn