Chủ động đón bắt cơ hội kinh doanh từ hội nhập

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2019 được dự báo sẽ là năm khởi sắc và thành công đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu Việt Nam.

Bởi ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp đã phải “tăng tốc” hoạt động để đáp ứng nhu cầu đặt hàng.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Seyoung Inc (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Danh Lam/ TTXVN

Nhiều doanh nghiệp thông tin lại rằng, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, các doanh nghiệp đã tiếp nhận khá nhiều đơn hàng mới; trong đó, bao gồm các sản phẩm như may mặc, thủy sản hay nguyên liệu chế biến thực phẩm… cũng như xi măng, sắt thép và than.

Cộng dồn cùng những đơn hàng đã nhận từ cuối năm 218, nhiều doanh nghiệp phải huy động tối đa nhân lực và nhanh chóng trở lại sản xuất nhằm bắt kịp tiến độ như đã cam kết với các bạn hàng. 

Chứng kiến không khí nhộn nhịp và khẩn trương trở lại sản xuất tại Công ty cổ phần Xi măng La Hiên - VVMI (Tổng Công ty công nghiệp mỏ Việt Bắc), ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc VVMI chia sẻ, sau vài ngày tạm ngừng sản xuất bảo dưỡng thiết bị, dây chuyền, từ ngày mùng 6 Tết âm lịch, công ty đã sản xuất trở lại với công suất cao nhất. 

Năm nay, thị trường tiêu thụ xi măng được dự báo sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt nên doanh nghiệp đã tập trung cải tiến và hoàn thiện từng công đoạn sản xuất trong 2 dây chuyền lò quay xi măng, cải tạo máy nghiền xi măng, các hệ thống đo lường giám sát, phối liệu, nâng chất lượng nguồn nguyên liệu chính như: đá vôi, sét , đất cao si líc… 

Năm 2019, công ty đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ trên 720.000 tấn xi măng các loại, phấn đấu đạt tổng doanh thu hơn 630 tỷ đồng và thu nhập bình quân của gần 700 lao động sẽ khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. 

Tương tự chủ Công ty TNHH Sein Together Kee Eun Việt Nam, ông Kim Hang Yong, Tổng Giám đốc cho biết, năm nay, doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Ngoài việc duy trì hoạt động sản xuất của các phân xưởng, nhà máy, toàn công ty còn nêu quyết tâm thực hiện vượt mức kế hoạch 10% so với kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2018; đồng thời tạo công việc ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. 

Qua thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp cũng đã xác định trước những diễn biến khó khăn của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập và xu hướng lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên những khoảng cách khó thu hẹp nếu doanh nghiệp thiếu năng lực đầu tư hoặc kém nhiệt huyết cạnh tranh để vươn lên trên thị trường 

Đại diện một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may xuất khẩu, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công May 10 cho biết, trước những diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới, cùng với sự gia tăng cạnh tranh giữa các quốc gia, năm 2019 được coi là một năm tương đối thách thức không chỉ đối với ngành dệt may nói chung mà cả Tổng Công ty May 10 nói riêng. Tuy nhiên, May 10 vẫn đặt mục tiêu doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng; tăng trên 200 tỷ đồng so với năm 2018; lợi nhuận toàn công ty dự kiến đạt 70 tỷ đồng; cùng với đó là việc giảm giờ làm thêm của người lao động. 

Cơ hội để thực hiện những mục tiêu mà các doanh nghiệp xuất khẩu đề ra cũng đang trên đà thuận lợi, nhất là khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng sẽ sớm được triển khai trong nay mai.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt – May Việt Nam (Vinatex) cho biết, cơ bản nhất là các doanh nghiệp cần biết cách để chủ động đón bắt cơ hội khi cả CPTPP hay EVFTA được thực thi tại Việt Nam. 

"Trong năm 2019, ngành dệt may sẽ quyết tâm tận dụng các cơ hội đến từ CPTPP và EVFTA để hiện thực hóa mục tiêu cao là đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ đô la Mỹ (USD); tăng 4 tỷ USD so với năm 2018. Trong điều kiện chưa có EVFTA hoặc hiệp định triển khai chậm, mục tiêu xuất khẩu của ngành cũng dự kiến đạt kim ngạch từ 38 đến 38,5 tỷ USD theo hướng sản xuất xanh, năng suất tốt, cải thiện điều kiện làm việc và tăng giá trị gia tăng và mục tiêu hiệu quả cũng tăng lên gấp đôi”, ông Trường nhấn mạnh. 

Bên cạnh cơ hội đến từ thực tế khách quan, cũng cần phải ghi nhận rằng, các doanh nghiệp đang có đà “tiến tới” là nhờ những nỗ lực cải cách từ các chính sách kinh tế mà Đảng và Chính phủ đang dày công xây dựng. Theo đó, bao gồm cả việc cải cách thủ tục hành chính; đơn giản hóa hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Cụ thể như tại tỉnh Phú Thọ, ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp rất được coi trọng và là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh hiện nay.

Vì vậy, tỉnh quyết tâm sẽ tạo sự chuyển biến về chất trong cải cách hành chính, đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm khi đến đầu tư tại Phú Thọ. 

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, khu, cụm công nghiệp; trong đó tập trung vào chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao, đầu tư đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên, chế biến sâu sản phẩm nông, lâm nghiệp nhất là chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư; cơ chế, chính sách thu hút và phát huy các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Trước mắt thu hút một số dự án lớn tạo sự đột phá về đầu tư, nhất là dự án phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; dự án về du lịch…”, ông Thủy nhấn mạnh. 

Nhờ phát huy tốt các lợi thế sẵn có, kết hợp với các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ngay trong tháng đầu năm mới 2019, đã có nhiều khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 1/2019 thực hiện tăng 9,7% so với cùng kỳ tháng 1/2018. 

Không chỉ ở Phú Thọ, các doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng đang nỗ lực thi đua trong các hoạt động sản xuất kinh doanh để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra cho năm 2019. 

Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với kết quả của năm 2018, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; phấn đấu đạt mức tăng trường kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh khoảng 15% so với năm 2018”. 

Theo ông Thái, muốn làm được điều này, bên cạnh việc phát huy nội lực của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng đã dành sự quan tâm và tạo nhiều điều kiện để “hậu thuẫn” các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh được thuận lợi trong sản xuất và kinh doanh. Điều này hứa hẹn những thành quả đóng góp cho sự phát triển kinh tế về mọi mặt của địa phương trong thời gian tới./.

Nguồn:bnews.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/