Nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu năm 2019
Xuất khẩu năm 2019 được nhận định có nhiều thuận lợi do môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Các rào cản cộng đồng doanh nghiệp (DN) được loại bỏ dần thúc đẩy sức sản xuất của DN trong năm 2018, và đây là đà để cộng đồng DN bứt phá. Theo giới chuyên gia, nội lực mạnh hứa hẹn sẽ tạo đà tăng trưởng xuất khẩu cho năm 2019.
Tăng trưởng ấn tượng
Nhận định về bức tranh kinh tế năm 2018, giới chuyên gia cho rằng, chúng ta đã đạt những chỉ số vĩ mô rất “đẹp” so với 10 năm trở lại đây, gần như không chỉ số nào diễn biến theo hướng tiêu cực. Theo đó, GDP tăng trưởng cao nhất 10 năm, lạm phát giữ được ở mức thấp hơn khá nhiều so với chỉ tiêu 4%, cho dù có nhiều áp lực từ giá dầu, giá hàng hoá… Tăng trưởng đến từ cả công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ, nông nghiệp tăng cao hơn hẳn so với năm 2017. Đặc biệt, những nỗ lực của nhà quản lý trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính cải thiện môi trường kinh doanh đang tạo ra những lực đẩy mới cho hoạt động của cộng đồng DN trong nước. Riêng đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhờ đòn bẩy từ nội lực, hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017.
Tiếp đà của năm 2018, hoạt động xuất khẩu của năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Đáng chú ý, báo cáo từ các Hiệp hội Da giày, Dệt may cùng các ngành xuất khẩu khác cho hay, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tiếp tục tăng trong tháng 11, khuyến khích các nhà sản xuất tăng sản lượng, tạo thêm nhiều việc làm mới. Đây là những nền tảng vững chắc để xuất khẩu năm 2019 có sự tăng trưởng đột phá.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), năm 2019, ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 21,5 tỷ USD, tăng thêm 2 tỷ USD so với năm 2018. Bà Xuân nhận định, với việc hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cơ hội thị trường với ngành giày dép, túi xách Việt Nam tiếp tục hứa hẹn nhiều triển vọng do tăng nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính yếu như Mỹ, EU, Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc.
Còn theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt - May Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu của ngành dệt may năm 2019 sẽ có mặt thuận lợi trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô cùng với xu thế cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện, tạo sự thuận lợi hơn cho DN. Nói về triển vọng tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2019, lãnh đạo Vinatex cho hay, trong điều kiện có cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA), mục tiêu cao của ngành dệt may Việt Nam năm 2019 là xuất khẩu 40 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với năm 2018.
Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, việc CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và EVFTA dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 chắc chắn sẽ tạo nên sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các DN có thêm năng lực sản xuất mới.
Sức bật từ nội lực
Với những diễn biến này, có thể khẳng định, xuất khẩu năm 2019 hứa hẹn tăng trưởng tốt. Song, chúng ta vẫn cần phải cẩn trọng với những diễn biến của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Mặc dù nhìn một cách tổng thể, Việt Nam có những lợi ích nhất định từ cuộc chiến này, song, nhìn một cách tổng quát, căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ có những ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, nhưng lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao gần nhất, cùng với Hàn Quốc. Sự suy giảm của hai thị trường này có thể khiến xuất khẩu của chúng ta chậm hơn.
Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để có tăng trưởng tốt trong năm 2019, điều quan trọng ở đây là môi trường đầu tư phải thực sự được cải thiện thì mới thúc đẩy được vốn đầu tư từ các DN vừa và nhỏ, hay nói cách khác, môi trường kinh doanh cải thiện mạnh mẽ thì sẽ thúc đẩy nội lực cho khu vực DN trong nước, từ đó thúc đẩy toàn nền kinh tế.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, cùng với những nỗ lực từ phía nhà quản lý trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, DN cũng cần chủ động nâng cao tính cạnh tranh và năng suất bằng việc đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá và giảm giá thành sản phẩm. “Đầu tư phát triển công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp DN tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường” - người đứng đầu ngành Công thương nhấn mạnh.
Nguồn: Daidoanket.vn