Sẵn sàng nguồn lực đón vận hội mới
Bước vào năm mới Kỷ Hợi 2019, nhận thức rõ cơ hội lẫn thách thức, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đã và đang nỗ lực xây dựng các kịch bản để vượt qua khó khăn, chuẩn bị kỹ nguồn lực để sẵn sàng đón vận hội mới.
Ông LÊ NHUNG, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt:
Đa dạng hóa thị trường nguyên phụ liệu
Nhìn chung, tình hình kinh tế năm 2019 hứa hẹn nhiều cơ hội, nhưng cũng lắm thách thức. Bởi cùng với các hiệp định thương mại tự do như VJEPA, EVFTA…, đây cũng là năm đầu tiên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Tôi cho rằng, đây là cơ hội không chỉ để mở rộng thị trường mà còn để cải cách thể chế. Tuy nhiên, mở rộng thị trường cũng có nghĩa là mở rộng cạnh tranh. Thua ngay tại sân nhà là điều có thể xảy ra. Thêm vào đó, các chuẩn mực mới về lao động, về môi trường… không được tuân thủ cũng có thể dẫn tới sự tẩy chay và khiếu kiện. Vấn đề là chúng ta phải nhanh chóng nâng cao năng lực không chỉ để cạnh tranh với thiên hạ, mà còn để thực thi nghiêm túc các cam kết của mình.
Đối với ngành dệt may trong nước, năm 2018 đánh dấu bước chuyển mình hết sức mạnh mẽ nhờ lợi thế từ các FTA và sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Sản lượng hàng dệt may xuất khẩu trong năm ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội, một số DN đã lấp đầy được đơn hàng đến hết năm sau. Đây sẽ là bước đệm giúp các DN củng cố năng lực nội tại, có được sự chuẩn bị tốt hơn cả về nhân lực và nguồn lực để đón đầu xu hướng tăng trưởng của ngành trong các năm tới. Đặc biệt, ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ DN Trung Quốc sang các thị trường lân cận sẽ gia tăng. Điều này sẽ làm tăng sản lượng đơn hàng dệt may gia công tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng kéo theo áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các DN trong ngành. Ngoài ra, còn có rủi ro từ việc truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu và áp thuế bổ sung. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để hạn chế các sản phẩm có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Do đó, bắt buộc các DN trong nước phải chủ động đa dạng hóa thị trường cung ứng nguyên phụ liệu may mặc, thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc như hiện nay.
Sử dụng robot sản xuất tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG
Ông NGUYỄN NGỌC SANG, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhân Khang - Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam:
Chú trọng hơn đến quản trị hiệu quả
Có lẽ chưa bao giờ công nghiệp bao bì Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn như hiện nay. Nhiều DN bao bì có quy mô lớn, quan trọng, được các công ty nước ngoài mua, sát nhập đã tạo nên nỗi lo lắng cho các nhà quản lý vĩ mô. Ví dụ khác, trong tứ giác Bình Dương - Đồng Nai - TPHCM - Long An, vài năm gần đây, hơn trăm DN in - bao bì có vốn đầu tư nước ngoài (phần nhiều là của Trung Quốc) được thành lập, đã tạo sự cạnh tranh gay gắt. Hiện tượng này đồng thời cũng phát ra những tín hiệu lạc quan: bao bì Việt Nam còn nhiều dư địa, thậm chí là mảnh đất màu mỡ đang chờ khai phá. Bao bì là ngành công nghiệp phụ trợ nên một số doanh nghiệp bao bì phía Bắc theo “chuỗi cung ứng” đã đầu tư vào phía Nam. DN đã chú trọng hơn đến quản trị hiệu quả thông qua huấn luyện, nâng cấp nguồn nhân lực.
Nhiều hội thảo quan trọng đã được tổ chức, như “Công nghiệp bao bì - Tầm nhìn 2020” - mà thông điệp chính là bao bì Việt trong thời đại 4.0; “Câu chuyện CEO” - hội thảo dành cho các chủ DN nhỏ, mục đích chính là xây dựng tầm nhìn và chiến lược DN. Rộng hơn, nhằm phong phú hóa các hoạt động của hiệp hội, tối đa hóa lợi ích hội viên, các hiệp hội bao bì Việt Nam, Giấy và Bột giấy Việt Nam, In Việt Nam đã thống nhất liên kết một số hoạt động. Chúng tôi tin tưởng rằng năm mới Kỷ Hợi 2019 kinh tế nước nhà sẽ phát triển tốt, công nghiệp bao bì sẽ đạt được những thành tựu mới.
Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh:
Tạo nền tảng vững chắc để hội nhập quốc tế
Công nghiệp cơ khí đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, được xem như “xương sống” của nền kinh tế. Bởi đây là ngành nền tảng, hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, cung cấp công cụ, tư liệu sản xuất cho các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng. Bước qua năm Kỷ Hợi 2019, cũng như nhiều lĩnh vực khác, ngành cơ khí, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, có nhiều cơ hội xen lẫn thách thức, đặc biệt trong xu thế hội nhập, thu hút đầu tư cũng như mở rộng đầu tư nhiều sản phẩm công nghiệp.Do đó, ngay từ bây giờ, ngành cơ khí cần tạo nền tảng vững chắc về mọi mặt nhằm thích ứng và hội nhập tốt nhất khi vươn ra sân chơi toàn cầu. Những năm gần đây, nhu cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang có chiều hướng ngày càng tăng. Điều đó được chứng minh là trong vài năm trở lại đây có nhiều DN nước ngoài lớn đầu tư vào Việt Nam. Nhu cầu về sản xuất càng tăng lên thì cần nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Không chỉ phục vụ cho các nhà máy sản xuất trong nước, nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do các DN trong nước sản xuất cũng đã xuất khẩu qua nước ngoài. Nhờ đó, các sản phẩm cơ khí của Việt Nam đã có uy tín trên thị trường quốc tế và nhiều DN ở các nước phát triển như Nhật, châu Âu, Mỹ luôn tìm kiếm nguồn hàng ở Việt Nam.
Mặc dù hiện nay TPHCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ về lãi suất vay vốn, nhưng điều mà các DN mong muốn được hỗ trợ thêm là tăng cường xúc tiến thương mại ra nước ngoài để mở rộng thị trường, song song với giải pháp hỗ trợ thị trường trong nước. Về phía DN công nghiệp hỗ trợ, trong xu hướng phát triển, ngoài việc nâng cao, hoàn thiện các hệ thống quản lý, nguồn lực, công nghệ, cần phải có mục tiêu chiến lược phát triển đúng đắn và kiên trì theo đuổi để thành công. Đối với Công ty Cơ khí Duy Khanh, để chuẩn bị tận dụng tốt nhất các cơ hội trong năm 2019, chúng tôi đã lập dự án đầu tư, chuẩn bị xây dựng thêm nhà máy mới trong Khu Công nghệ cao TPHCM để đáp ứng thêm nhu cầu ngày càng tăng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông TRẦN VIỆT ANH, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn; Phó Chủ tịch Hội Cao su, nhựa TPHCM :
Loại bỏ dần những sản phẩm giản đơn
Trong năm 2019 sẽ có nhiều cột mốc ảnh hưởng đến ngành nhựa. Thứ nhất, Việt Nam đang có một loạt dự án hóa dầu có thể trông chờ sẽ cung cấp nguyên liệu cho ngành nhựa. Nếu tổ chức được nguồn nguyên liệu đó thì đây sẽ là lợi thế và có thể làm tăng giá trị sản phẩm 10% - 20% so với nhập khẩu. Thứ hai, với lợi thế này, tương lai Việt Nam sẽ trở thành công xưởng của ngành nhựa xuất khẩu đi các nước và có thể vượt 3 tỷ USD/năm. Điển hình, các DN Nhật Bản bắt đầu chọn Việt Nam làm điểm mua hàng.
Hiện nay, xu hướng trên thế giới là sử dụng nhựa sinh học thân thiện với môi trường, không sử dụng nhựa có 100% từ hóa thạch. Do đó, ngành nhựa Việt Nam phải đi theo xu hướng thân thiện môi trường. Đặc biệt, phải tái chế được nhựa từ nhựa phế thải. Nếu có chính sách thu hút đầu tư hợp lý, ngành nhựa Việt Nam có thể đi đầu ở châu Á. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, ngành nhựa phải loại bỏ dần những sản phẩm giản đơn, chuyển qua sản xuất những sản phẩm nhựa có giá trị hơn. Bởi hiện tại, nhiều công trình xây dựng đã hạn chế sử dụng vật liệu như sắt, thép tăng mà chuyển qua sử dụng nhựa. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của DN ngành nhựa, Nhà nước cần tập trung phát triển vùng nguyên liệu và có chính sách, tín dụng, cũng như tạo quỹ đất cho các DN đầu tư về tái chế, hướng tới cấm nhập khẩu nguyên liệu nhựa.
Ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ:
Kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam ngày càng phát triển
Từ đầu năm 2019 đến nay, ngành du lịch nước ta đã đón trên 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 9% so với tháng 12-2018. Trong số này, khách chủ yếu đến bằng đường hàng không từ các thị trường như Thái Lan (tăng gần 40%), Hàn Quốc (tăng 23%), Philippines (tăng 20%), Nhật Bản, Mỹ, Na Uy, Đan Mạch, Trung Quốc... Đây thực sự là những con số đáng mừng cho ngành du lịch nước nhà.
Năm qua, Luật Du lịch chính thức có hiệu lực, điều chỉnh nhiều hành vi, đối tượng như khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên du lịch, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch… Điều này thúc đẩy ngành du lịch hoạt động ngày càng nền nếp, đi vào quỹ đạo. Tuy vậy, nhìn lại năm 2018, vẫn có những hạn chế đáng buồn lòng. Ví dụ hiện tượng kinh doanh chụp giựt: bán tour thu tiền nhưng không tổ chức tour, khiến cho khách mua tour nghi ngờ cả những công ty lữ hành uy tín. Hậu quả, gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp lữ hành nói riêng, cho cả ngành du lịch Việt Nam nói chung.
Đất nước ta có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới, được bạn bè quốc tế ca ngợi. Khép lại năm 2018, ngành du lịch nước ta được quốc tế vinh danh, trao tặng nhiều giải thưởng mang tính toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 6 trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới, do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) bình chọn. Thế nhưng, làm sao để du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều lần, chi tiêu nhiều hơn, giúp ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, lại cần phải có các biện pháp dài hơi cũng như lộ trình rất cụ thể. Mà trước tiên, chính là tháo gỡ các nút thắt về đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thị thực, hoàn chỉnh các điểm đến và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch…
Nguồn:saigondautu.com.vn