Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực khi CPTPP được thực thi.
Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPP với những tiêu chuẩn cao còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước, ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.
Xét về từng ngành hàng, có thể thấy giày dép, lúa gạo, thủy sản hay đồ gỗ được hưởng không ít lợi ích. Cụ thể như, 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Thuế nhập khẩu giày dép vào Mexico và Peru cũng được giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh.
Với thủy sản, các mặt hàng này sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực khi xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản trước chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong hiệp định Việt Nam-Nhật Bản và ASEAN-Nhật Bản sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Tương tự, với việc được hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, gạo sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada. Mexico cũng là thị trường mới, có thể nhập khẩu khoảng 70.000 tấn/năm và sẽ được hưởng thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu khác như cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng Mexico xóa bỏ thuế cà phê hạt Robusta vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài ra, xuất khẩu đồ gỗ nội ngoại thất sang các nước Canada, Peru sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Mặt khác, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, nhiều nước phải dành tỉ lệ cắt giảm các dòng thuế rất cao, có những nước lên tới 95%. Trong khi Việt Nam chỉ phải cắt giảm ngay lập tức là 66%, 3 năm sau mới nâng lên 86%, có nhiều mặt hàng Việt Nam được quyền bảo lưu đến sau 10 năm. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ khiến Việt Nam có lợi khi tham gia vào CPTPP
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, chắc chắn CPTPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ. Trong đó phải kể đến các động thái bảo hộ nền sản xuất trong nước của các quốc gia. Những hàng rào kỹ thuật đặt ra đòi hỏi DN phải chủ động nâng sức cạnh tranh, đổi mới khoa học công nghệ.
Do vậy, để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, các doanh nghiệp cần phải nắm được các quy định có liên quan tới mình và chủ động tìm ra những bước đi, kế hoạch để có thể đáp ứng các yêu cầu đó. Theo ông Thành, những quy định về xuất khẩu hàng hóa trong CPTPP sẽ rất khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa, do đó, doanh nghiệp Việt cần phải nắm chắc về các quy định đó để xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp.
Nguồn: doanhnhanviet.net.vn