"Phụ nữ chiếm một nửa bầu trời" là câu nói ưa thích của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông . Ở thời điểm này, câu nói trên vẫn đúng với Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp lớn được điều hành bởi phụ nữ
Đó là Mai Kiều Liên, người đã nắm bắt được "cơn khát về đồ uống giàu protein" của tầng lớp trung lưu đang tăng lên ở Việt Nam và xây dựng Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam thành một đế chế trị giá 10 tỷ USD.
Tiếp đến là Nguyễn Phương Thảo, người sáng lập hãng hàng không giá rẻ VietJet, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam. Theo Bloomberg, Hàng không là một lựa chọn di chuyển phù hợp ở Việt Nam nhất là khi chưa có một tuyến đường sắt cao tốc giữa hai siêu đô thị.
Đón sóng chi tiêu tiêu dùng tăng cao là bà chủ Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), Cao Thị Ngọc Dung.
Còn nếu nhà đầu tư đang tìm kiếm một nhà sản xuất công nghiệp thì Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) của bà Nguyễn Thị Mai Thanh chính là câu trả lời.
Nhà đầu tư thích rót tiền vào Việt Nam vì lao động nữ chiếm đa số
Theo Bloomberg, 73% phụ nữ Việt Nam tham gia vào lực lượng lao động, họ cũng là những người tiên phong trong kinh doanh.
Theo ước tính của tổ chức Giám sát Doanh nhân toàn cầu, tỷ lệ khởi nghiệp giữa doanh nhân nam và doanh nhân nữ ở Việt Nam là 1/1,4. Phụ nữ đóng góp 40% GDP, gần ngang với Trung Quốc.
Có một lý do lịch sử cho việc này. Hàng triệu đàn ông Việt Nam đã chết trong chiến tranh và phụ nữ phải lấp đầy khoảng trống. Vào năm 1976, ở Việt Nam, cứ 100 phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 64 thì chỉ có 95 nam giới.
Đến năm 1986, khi Việt Nam tiến hành Đổi mới, phụ nữ vẫn chiếm đa số trong xã hội và góp phần thúc đẩy kinh tế thị trường tại Việt Nam.
Ngay cả khi Việt Nam tái thiết sau chiến tranh và tỉ lệ giới tính dần về mức cân bằng, phụ nữ vẫn là lực lượng lao động chính. Chính phủ có những chính sách hỗ trợ phụ nữ trong công việc như cho phép nghỉ thai sản 6 tháng – quãng thời gian khá dài so với nhiều nước. Đây đều là những tin tốt đối với nhà đầu tư.
Vì sao nhà đầu tư lại thích đầu tư vào Việt Nam hơn các quốc gia đang phát triển khác? Họ đang tìm kiếm phiên bản 2 của Trung Quốc, kỳ vọng Việt Nam có thể tạo ra hàng tỷ USD tài sản như Trung Quốc đã từng.
Nhà đầu tư tìm kiếm các quốc gia có nhân khẩu học phù hợp: lực lượng lao động trẻ, háo hức xây dựng các trung tâm sản xuất, rồi lại sử dụng tiền lương ngày càng cao để mua những chiếc xe hay túi hàng hiệu đầu tiên, tạo ra một vòng lặp sản xuất – tiêu dùng tích cực.
Việt Nam đứng thứ 15 thế giới về quy mô dân số, sau Pakistan, Bangladesh và Philippines. Tuy nhiên hầu hết các đối thủ của Việt Nam đều không có lợi thế về nhân khẩu học. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động của Pakistan và Bangladesh chỉ là 25% và 33%. Tính theo số liệu này, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) thật sự của hai quốc gia sẽ chỉ là 37% và 45%, không phải số công bố chính thức 61% và 67%.
Muốn bắt chước mô hình sản xuất của Trung Quốc, một quốc gia thường phải bắt đầu từ việc xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như hàng dệt may hay da giày. Việt Nam đang nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất điện thoại thông minh và linh kiện bán dẫn.
Tuy nhiên, trong năm 2017, phần lớn hàng xuất khẩu sang Mỹ vẫn là hàng may mặc. Và ai là người khâu quần áo, đóng giày? Chủ yếu là phụ nữ.
Tinh thần làm việc hăng hái của phụ nữ là một trong những lý do biến Việt Nam thành quốc gia mới nổi duy nhất tại Châu Á (ngoại trừ Trung Quốc) thu hút dòng vốn ngoại trong bối cảnh thị trường đi xuống năm nay.
Nhiều nhà đầu tư đang đặt cược rằng Việt Nam sẽ thắng lớn nếu chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài. Thậm chí, trước khi cuộc chiến giữa hai siêu cường nổ ra, các doanh nghiệp Trung Quốc như tập đoàn dệt may Shenzhou International đã mở các nhà máy tại Việt Nam
Tuy nhiên bầu trời không chỉ có màu xanh. Theo viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, bất bình đẳng thu nhập nam – nữ đối với cùng một công việc tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng như Malaysia hay Philippines.
Thật không may, Việt Nam lại giống Trung Quốc và Ấn Độ ở tư tưởng trọng nam khinh nữ. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục ở mức cao. Theo đó, trung bình cứ 100 bé gái thì tương ứng có tới 110 bé trai được sinh ra.
Khi tầng lớp trung lưu trở nên giàu có hơn, phụ nữ có thể sẽ nản lòng bởi khoảng cách thu nhập với nam giới và quyết định ở nhà.
Tuy nhiên, vào lúc này, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, một phần nhờ vào lực lượng lao động nữ hăng hái, tháo vát của mình.
Nguồn:Vietnamfinace.vn