Vì sao xuất khẩu tăng nhưng không bền vững?
Xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt con số rất ấn tượng: Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch XK ước đạt hơn 200 tỷ USD, tăng 14,2% so cùng kỳ 2017 (kế hoạch XK cả năm 2018 là 240 tỷ USD, tăng 10-12% so năm 2017). Tuy nhiên thực tế, kim ngạch XK đạt được phần lớn là của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm đến 71% tổng kim ngạch XK.
Trong khi DN trong nước XK chỉ đạt kim ngạch 29%. Yếu trong XK; kém trong việc tận dụng lợi thế do các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại; chưa cập nhật kịp những thông tin về rào cản XK... là những tồn tại của các DN Việt cần phải khắc phục kịp thời để tham gia sâu vào “sân chơi” quốc tế...
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch XK tăng mạnh ở một số mặt hàng chủ lực như: điện thoại và linh kiện tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017; hàng dệt may tăng 17,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 15%. Ngoài ra, còn có một số mặt hàng chủ lực khác như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, giày dép, các mặt hàng nông, thủy sản… cũng tăng khá như: thủy sản tăng 5,9%; rau quả tăng 14,4%; gạo tăng 16,1%...
Trong đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng XK Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành, dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ cân bằng cán cân kim ngạch XNK. Từ năm 2021, cán cân thương mại Việt Nam sẽ xuất siêu. Tuy nhiên, thực tế, hiện cán cân thương mại Việt Nam đang ở mức xuất siêu. Dự kiến, cuối năm 2018, Việt Nam xuất siêu dao động ở mức 7 tỷ USD.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thuận lợi của thị trường XK hàng Việt Nam trong thời gian qua là do các DN đã tận dụng lợi thế từ các FTA mang lại. Tính đến nay, Việt Nam có 17 FTA, trong đó có 10 FTA đã có hiệu lực, 2FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực, 2 FTA đã ký kết đàm phán và 3 FTA đang đàm phán. Hiện, có đến hơn 90% lượng hàng hóa giao dịch thông qua các FTA, chỉ có một lượng hàng hóa rất nhỏ xuất khẩu là chưa có FTA.
Tuy nhiên, mặc dù cán cân thương mại Việt Nam đang xuất siêu nhưng chưa thực sự bền vững do xuất khẩu phần lớn là công của DN FDI. Trong khi DN trong nước XK chỉ chiếm 29% kim ngạch và cũng chỉ có 40% DN tận dụng lợi thế của các FTA, mặc dù các FTA mang lại rất nhiều lợi thế cho DN.
Đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến đẩy mạnh XK, đó là hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực logistics. Thế nhưng, hoạt động này tại Việt Nam đang còn rất hạn chế. Ông Tô Chí Bình, Công ty Bee Logistics cho biết: DN logistics Việt Nam chỉ phục vụ được khoảng 20-25% nhu cầu cho hoạt động XK của Việt Nam còn lại là DN nước ngoài.
|
Hàng dệt may xuất khẩu tăng 17,5% so cùng kỳ 2017. |
Nguyên nhân do quy mô của DN Việt là vừa và nhỏ, hoạt động còn manh mún, chỉ có thể cung cấp được các dịch vụ cho các bên thứ 2, thứ 3, chưa có DN logistics nào đạt chuẩn về vấn đề dịch vụ logistics cho bên thứ 4. Cùng với đó, chất lượng của hoạt động logistics Việt Nam còn thiếu ổn định trong dịch vụ, không đảm bảo cam kết với khách hàng, thiếu tính đồng bộ, thiếu sáng tạo, chậm đổi mới và làm suy giảm niềm tin của khách hàng. Về phía nhà xuất khẩu là tâm lý làm hết mọi việc, tự xử lý tại DN của mình; ngại thay đổi phương thức vận chuyển để tránh rủi ro; thiếu niềm tin vào khả năng cung ứng dịch vụ của các DN Việt Nam, nên các DN đã chọn DN ngoại. Thực trạng này dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh của DN xuất khẩu do giá thành sản phẩm cao.
“Kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 2017 tăng 21% so với năm 2016. Trong đó, XK sang ASEAN và các nước đã có FTA với Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao. Do vậy, vai trò của các DN logistics Việt Nam trong tăng cường cạnh tranh XK là rất quan trọng. Nếu các DN hiểu và vận hành các hoạt động logistics một cách trơn tru thì sẽ đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, tận dụng được mọi lợi thế trong kinh doanh trước các đối thủ khác trên thị trường”, ông Bình khẳng định.
Nói về một số rào cản tại thị trường XK mà hầu hết DN Việt chưa biết đến, ông Nguyễn Toàn, đại diện Công ty Di Central dẫn chứng: Tổng Công ty Sài gòn Tân cảng sở hữu nhiều Cảng, trong đó có Cảng Cát Lái. Một lần, Tổng Công ty Sài gòn Tân cảng nhận được yêu cầu của một hãng tàu lớn của Đan Mạch, yêu cầu tất cả các chứng từ giao nhận giữa hãng tàu này với Cảng Cát Lái phải sử dụng bằng EDI. Trước yêu cầu này, Tổng Công ty Sài gòn Tân cảng đã tìm đến Công ty Di Central tư vấn, hỗ trợ, vì không hiểu EDI là gì?
Vậy tại sao hãng tàu Đan Mạch yêu cầu gửi các giấy tờ bằng EDI thay vì gửi phương thức thủ công ban đầu là email, fax. Sau khi tư vấn, Công ty Di Central đã xây dựng hệ thống EDI cho Tổng Công ty Sài gòn Tân cảng để họ kết nối EDI giữa cảng Cát Lái và hãng tàu này.
“Khi nhận được yêu cầu từ phía đối tác nước ngoài về việc trao đổi dữ liệu phải bằng EDI, các DN Việt Nam rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, đến nay, Công ty Di Central cũng đã tư vấn và xây dựng hệ thống EDI cho một số DN Việt Nam theo yêu cầu của đối tác nước ngoài”- ông Toàn cho biết.
Vậy EDI là gì và tại sao hầu hết các đối tác trên thế giới yêu cầu các DN Việt Nam phải trao đổi dữ liệu thông tin với nhau qua EDI, thay phương thức trao đổi truyền thống là email, fax...?
Ông Toàn giải thích: EDI - là trao đổi dữ liệu điện tử tự động qua hệ thống, trực tiếp từ nơi gửi đến nơi nhận. Khi DN áp dụng phương thức này sẽ tiết kiệm công sức, chi phí, nhân lực. Đây là mô hình mà tất cả các DN nước ngoài muốn hướng đến DN ở Việt Nam, vì vậy DN cần phải lưu ý.
Nguồn:cand.com.vn