Cam kết về lao động là xu thế khi gia nhập các FTA
Lý giải về việc tại sao lại đưa nội dung cam kết lao động vào FTA, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng nhóm lao động, Đoàn đàm phán TPP cho biết: Theo quy định khi đàm phán và gia nhập các hiệp định, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động.
Tại buổi tọa đàm về các cam kết lao động của Việt Nam trong hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do Bộ LĐTB-XH tổ chức sáng 13-11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng nhóm lao động, Đoàn đàm phán TPP cho biết, phải tuân thủ các điều kiện, cam kết về lao động là xu thế không thể tránh khi chúng ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Toàn cảnh tọa đàm
Dẫn số liệu vào năm 1995 mới chỉ có 3 hiệp định FTA có nội dung cam kết về lao động (chiếm 7.3%), ông Cường cho biết, tới năm 2016 đã có tới 77 trong tổng số 267 FTA được ký kết ở 136 quốc gia có nội dung về lao động (chiếm 28.8%). Trong đó, 62% mang tính thúc đẩy, 38% mang tính điều kiện (rơi vào các hiệp định của Mỹ, Canada và EU).
“Các nội dung mang tính điều kiện gắn với nội dung thương mại, nếu anh không tuân thủ thì không được hưởng các ưu đãi về thuế suất” - ông Cường nói.
Theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ LĐTB-XH, 28.8% là tỷ lệ cao và tính xu thế thể hiện ở con số từ năm 2008 đến 2016, theo thống kê đã có tới 64% FTA đòi hỏi có cam kết về lao động và nằm chủ yếu ở các hiệp định có đối tác là các nước phát triển như Bắc Mỹ và EU.
“Nếu Việt Nam muốn tham gia các FTA thế hệ mới mà không có nội dung lao động thì phải chừa Mỹ và EU ra” - ông Cường nói.
Lý giải về việc tại sao lại đưa nội dung cam kết lao động vào FTA, ông Cường cho biết: Theo quy định khi đàm phán và gia nhập các hiệp định, các nước không được tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại bằng việc hạ thấp tiêu chuẩn lao động.
Tuy nhiên theo TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội thì cái khó nhất hiện nay là làm cách nào để chúng ta khai thác được các lợi thế về thị trường khi gia nhập CPTPP khi thuế suất giảm, mấu chốt nằm ở vấn đề đầu tư và nguồn lực lao động, năng suất lao động.
“Chất lượng lao động, năng suất là điều kiện để hàng hoá của chúng ta làm ra được các thị trường trong khu vực CPTPP chấp nhận” - TS Đào Quang Vinh cho biết.
Cũng theo TS Đào Quang Vinh, khi gia nhập CPTPP, các ngành mà Việt Nam có lợi thế cần chuẩn bị về nguồn lực lao động là dệt may, da giày, thủy sản, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử...
Nguồn:sggp.org.vn