Ngành dệt may phải nhập khẩu khoảng 5,2 tỷ mét vải/năm (Ảnh TL)
Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 10 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 29 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 và hoàn thành khoảng 79% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt; các thị trường CPTPP, Hàn Quốc, Trung Quốc... tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 12%; Nhật Bản 2,85 tỷ USD, tăng 25,6%; Hàn Quốc 2,360 tỷ USD, tăng 25,8%; Trung Quốc gần 1,1 tỷ USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2017...
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm nhất hiện nay của ngành dệt may, theo các chuyên gia tính toán, để phát huy được năng lực may trong toàn ngành sẽ cần phải có 6 tỷ mét vải/năm. Thế nhưng, khâu dệt trong suốt thời gian dài vừa qua chỉ có thể cung cấp được 0,8 tỷ mét, số còn lại 5,2 tỷ mét phải trông chờ vào nhập khẩu.
Điều đáng nói, ngay trong 0,8 tỷ mét do sản xuất trong nước cung cấp lại chưa thoả mãn được nhu cầu của may về chất lượng vải, cơ cấu vải, đặc biệt thiếu hẳn những loại vải chất lượng cao để sản xuất ra những đơn hàng chuyên biệt. Nên thực tế, toàn ngành vẫn phải nhập tới gần 70% nguyên phụ kiện may, thậm chí, có doanh nghiệp phải nhập tới hơn 90% để đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình.
Để khai thông điểm nghẽn này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiệp hội đã có chương trình hành động cụ thể như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may Việt Nam đạt trên 2 tỷ USD với các doanh nghiệp đến từ EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc)...
Hiện rất nhiều doanh nghiệp dệt may lớn trong nước đã xúc tiến mở rộng, xây thêm nhiều cơ sở sản xuất theo chuỗi khép kín, chủ động trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sợi đến hàng may mặc hoàn chỉnh…. nhằm mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Ước tính toàn ngành dệt may hiện có hơn 6.000 nhà máy, cung cấp khoảng 3 triệu việc làm và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Hàng loạt nhà máy mới chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ tăng lực cho xuất khẩu dệt may năm 2019 (Ảnh TL)
Hướng tới chủ động về nguyên liệu
Để khắc phục điểm yếu lớn nhất của dệt may Việt Nam, dệt sợi xuất khẩu nhưng phải nhập vải may và phần lớn nguyên phụ liệu, hàng loạt nhà máy mới chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ tăng lực cho xuất khẩu dệt may năm 2019.
Có thể kể đến Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM, doanh nghiệp lớn trong ngành sợi) đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư để đưa nhà máy thứ 4 vào hoạt động trong đầu năm 2019. Theo lãnh đạo FTM, nhà máy số 4 đi vào hoạt động chính thức, sẽ đóng góp thêm khoảng 500 tỷ đồng doanh thu cho FTM.
Bên cạnh đó, Công ty cũng từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị dệt may thông qua việc xây dựng nhà máy dệt, hứa hẹn sẽ là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài ra, FTM cũng chuẩn bị đầu tư một số dự án mới, như Nhà máy dệt vải và nhuộm hoàn thiện, công suất 10 triệu m2/năm, tổng vốn đầu tư 55 triệu USD; đầu tư 10 nhà máy may với công suất 5.000 m2/năm/nhà máy, vốn đầu tư 7,5 triệu USD/nhà máy…
Tận dụng cơ hội thị trường, Công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC) cũng dốc 300 tỷ đồng thực hiện Dự án Nhà Bè - Sóc Trăng. Được biết, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và cung cấp cho nội địa, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng theo phương thức FOB, ODM của NBC trong giai đoạn mới.
Giai đoạn II của Dự án May Nhà Bè - Sóc Trăng, chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm may chất lượng cao như: hàng veston, hàng quần, thời trang nữ, hàng thời trang các loại, cũng được đầu tư để hoàn thành trong năm 2019, đáp ứng khả năng nhận đơn hàng xuất khẩu và hiện thực hóa mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu của NBC.
Nguồn: congluan.vn