Hai lực đẩy mạnh cho ngành dệt may

Sự gia tăng đơn hàng cùng với cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo lực đẩy mạnh cho ngành dệt may trong thời gian qua.

 

Ảnh minh hoạ

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 10 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 29 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 và hoàn thành khoảng 79% kế hoạch xuất khẩu cả năm.

Các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt; các thị trường CPTPP, Hàn Quốc, Trung Quốc... tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 12%; Nhật Bản 2,85 tỷ USD, tăng 25,6%; Hàn Quốc 2,360 tỷ USD, tăng 25,8%; Trung Quốc gần 1,1 tỷ USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2017...

Đáng chú ý, số lượng các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc… dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam đã gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tốc độ dịch chuyển diễn ra nhanh hơn từ đầu năm 2018 đối với những đơn hàng từ thị trường Mỹ.

Với thuận lợi về thị trường, nhiều doanh nghiệp dệt may đã gần hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2018, đồng thời xúc tiến các dự án mở rộng quy mô sản xuất nhằm tiếp tục khắc phục điểm yếu lớn nhất của dệt may Việt Nam dệt sợi xuất khẩu nhưng phải nhập vải may và phần lớn nguyên phụ liệu.

Yêu cầu này đặc biệt quan trọng khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có quy tắc xuất xứ chặt chẽ nhất. Trong đó, CPTPP yêu cầu quy tắc xuất xứ từ sợi và EVFTA yêu cầu xuất xứ từ vải. Thực tế này đã gây ra nhiều trở ngại cho ngành dệt may Việt Nam, bởi phân khúc sợi, dệt - nhuộm - hoàn tất đang là nút thắt cổ chai của toàn ngành.

Các chuyên gia tính toán để phát huy được năng lực may trong toàn ngành sẽ cần phải có 6 tỷ mét vải/năm. Thế nhưng, khâu dệt trong suốt thời gian dài vừa qua chỉ có thể cung cấp được 0,8 tỷ mét, số còn lại 5,2 tỷ mét phải trông chờ vào nhập khẩu. 

Điều đáng nói, ngay trong 0,8 tỷ mét do sản xuất trong nước cung cấp lại chưa thoả mãn được nhu cầu của may về chất lượng vải, cơ cấu vải, đặc biệt thiếu hẳn những loại vải chất lượng cao để sản xuất ra những đơn hàng chuyên biệt. Nên thực tế, toàn ngành vẫn phải nhập tới gần 70% nguyên phụ kiện may, thậm chí, có doanh nghiệp phải nhập tới hơn 90% để đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình.

 

Để khai thông điểm nghẽn này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiệp hội đã có chương trình hành động cụ thể như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phần cung thiếu hụt. Trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư FDI vào ngành dệt may Việt Nam đạt trên 2 tỷ USD với các doanh nghiệp đến từ EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hongkong (Trung Quốc)... 
Đáng chú ý, rất nhiều doanh nghiệp dệt may lớn trong nước đã xúc tiến mở rộng, xây thêm nhiều cơ sở sản xuất theo chuỗi khép kín, chủ động trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sợi đến hàng may mặc hoàn chỉnh….  nhằm mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn. Ước tính toàn ngành dệt may hiện có hơn 6.000 nhà máy, cung cấp khoảng 3 triệu việc làm và con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Nguồn:baochinhphu.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/