Chủ tịch AGTEK: Mong sớm có Trung tâm Thời trang và Nguyên phụ liệu ngành dệt - may
Hội Dệt - May - Thêu - Đan TP.HCM (AGTEK) là tổ chức, tập hợp doanh nhân hoạt động trong ngành dệt - may - thêu - đan tại TP.HCM và các tỉnh lân cận để góp phần xây dựng ngành dệt - may Việt Nam phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã phỏng vấn ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch AGTEK về định hướng hoạt động của AGTEK trong thời gian tới.
* Thưa ông, từ nhiều năm qua, lãnh đạo AGTEK đã rất quan tâm đến công nghệ mới, giúp cho ngành dệt - may phát triển. Ông đánh giá việc áp dụng công nghệ mới vào ngành dệt - may tại TP.HCM trong thời gian qua như thế nào?
- Nếu như trước đây, các nhà thiết kế phải mất 2 - 3 tuần để lên bảng vẽ mẫu, thì bây giờ công nghệ 3D đã giúp họ rút ngắn thời gian, chỉ cần vài tiếng đồng hồ. Theo quy trình truyền thống, tính từ lúc vẽ phác thảo đến khi khách hàng duyệt chốt mẫu phải cần 30 - 50 tuần, nếu ứng dụng công nghệ 3D thì chỉ cần 5 - 9 tuần.
Theo xu thế mới, ứng dụng công nghệ 4.0 để kết nối doanh nghiệp trong chuỗi dệt may, từ dự báo thị trường, thiết kế, chuẩn bị sản xuất đến phân phối sẽ rất thuận lợi, năng suất tăng ít nhất 3 lần, giảm được 30% lao động. Từ đó giảm được chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm và hạ giá thành bởi công đoạn làm sợi, dệt, wash, hoàn tất hoàn toàn tự động, lại triệt tiêu ô nhiễm môi trường do có công nghệ nhuộm nano, tẩy màu bằng khí ozon, công nghệ lazer làm bạc màu, giảm màu, in, tẩy theo lập trình.
Chuỗi giá trị của ngành may mặc bao gồm các khâu thương hiệu, thiết kế, nguồn cung ứng nguyên liệu, cắt may đến marketing và phân phối. Thiết kế là khâu quan trọng nhất, quyết định phần lớn giá trị gia tăng và sự tự chủ của doanh nghiệp ngành may. Không làm chủ được thiết kế, doanh nghiệp chỉ tham gia vào khâu cắt may với lao động giản đơn, giá trị gia tăng thấp.
Các quốc gia có ngành dệt may phát triển không còn thực hiện các công đoạn này mà hợp đồng gia công ở các nước có nguồn lao động giá rẻ và việc sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào chưa phát triển như Bangladesh, Việt Nam, Pakistan. Muốn có thiết kế "ăn khách", doanh nghiệp phải đầu tư xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối không chỉ là nơi bán hàng mà còn là một kênh trải nghiệm thị trường để nắm bắt nhu cầu của khách hàng.
Bởi thông tin từ khách hàng là dữ liệu đầu vào của thiết kế, đồng thời thiết kế được củng cố bởi marketing nhằm tạo xu thế thời trang cho thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Thành công của thiết kế là sản phẩm tạo ra có khả năng định hướng trào lưu tiêu dùng, thu hút khách hàng tìm mua sản phẩm.
Xu hướng thời trang nhanh đòi hỏi khâu sản xuất phải bắt kịp thời trang không còn theo mùa mà vòng đời của một loại mốt đôi khi chỉ từ 4 - 5 tuần. Muốn làm được như vậy, doanh nghiệp phải đầu tư nhân lực chất lượng cao và hệ thống sản xuất tự động, đặc biệt là robot.
Chính công nghệ số tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là động lực thúc đẩy xu hướng tự động hóa thay thế dần con người trong ngành may mặc, tức triệt tiêu dần thâm dụng lao động. Ngành may mặc Việt Nam chỉ có thể tận dụng lao động giá rẻ trong 5 năm nữa. Nếu không kịp thời thay đổi công nghệ, sau khoảng thời gian này sẽ không còn doanh nghiệp may nào đủ sức cạnh tranh để trụ lại ở TP.HCM.
* Tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập AGTEK vừa qua, với tư cách người đứng đầu AGTEK, ông đã đề nghị chính quyền Thành phố cho xây dựng Trung tâm Thời trang và Nguyên phụ liệu ngành dệt - may. Ông có thể nói thêm về lý do cần có trung tâm này?
- Hiện nay, ngành may mặc Việt Nam đã phát triển phương thức OBM (sở hữu nhãn hiệu riêng) bên cạnh việc nâng cao hiệu quả của phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm).
Phương thức OBM là doanh nghiệp phải tự thiết kế, lựa chọn nguyên phụ liệu, sản xuất và phân phối bằng thương hiệu của chính mình. Thị trường nội địa Việt Nam hiện đã đủ hấp dẫn để lôi kéo nhiều doanh nghiệp chuyển từ gia công sang OBM và giành được vị trí đắc địa ở các trung tâm thương mại lớn. Tuy nhiên, hiện mới có khoảng 2% doanh nghiệp may mặc Việt Nam khẳng định được thương hiệu, chủ yếu vẫn ở trong nước.
Để góp phần đưa ngành dệt may trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước, AGTEK đã đề xuất với chính quyền TP.HCM cho thành lập Trung tâm Thời trang và Nguyên phụ liệu ngành dệt - may với nguồn vốn do thành viên của AGTEK đóng góp.
Trung tâm có những chức năng chính: là nơi đào tạo nhân sự các cấp, nhất là nhà thiết kế cho ngành dệt may, đồng thời có nhiều sàn catwalk hiện đại không chỉ để biểu diễn thời trang của các thương hiệu trong nước mà còn dành cho những người mẫu nổi tiếng thế giới; là trung tâm giao dịch và cung cấp đầy đủ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may cả nước; giới thiệu và bán sản phẩm dệt may; là khu bảo tàng ngành dệt - may - thêu - đan Việt Nam từ thuở sơ khai đến hiện tại; là một sản phẩm du lịch với nhiều dịch vụ giải trí, có nơi lưu trú chất lượng cao.
* Thưa ông, ông còn trăn trở gì về hoạt động của AGTEK hiện nay?
- Gần cả cuộc đời gắn bó với ngành dệt - may, tôi luôn mong muốn ngành dệt - may phát triển để người lao động có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Trong thời gian tới, tôi cùng tập thể Ban chấp hành AGTEK tập trung xây dựng Trung tâm Thời trang và Nguyên phụ liệu ngành dệt - may, sau khoảng mươi năm, Trung tâm sẽ có đầy đủ những chức năng kể trên.
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ, nếu trong vòng 10 năm mà không xây dựng được Trung tâm Thời trang và Nguyên phụ liệu thì doanh nghiệp dệt - may TP.HCM không thể cạnh tranh thắng lợi trên thương trường. Có Trung tâm càng sớm thì việc định hướng chiến lược với công nghệ đi trước 5 - 7 năm sẽ rất thuận lợi, lại góp phần tích cực vào việc nâng cao giá trị ngành dệt may không những ở TP.HCM mà còn cả nước.
* Cám ơn ông và chúc Trung tâm Thời trang và Nguyên phụ liệu ngành dệt - may sớm hình thành.