Khổ sở vì hàm lượng formaldehyt!

Nhiều năm nay các doanh nghiệp (DN) dệt may khốn khổ với quy định kiểm tra hàm lượng hợp chất hữu cơ formaldehyt. Sau khi họ kiến nghị nhiều lần, quy định này được Bộ Công Thương hứa sửa đổi. Nhưng lần sửa đổi sau lại khó thực hiện hơn lần trước đến nỗi chính Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phải ra thông tư lùi thời hạn áp dụng.

“Quy định trở lại, lợi hại hơn xưa”

Ngày 29-4-2016, trong hội nghị giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và cộng đồng doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam trước nguy cơ nhiều DN có thể phải đóng cửa đã kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề. Trong đó có những bất cập như khi một miếng vải mẫu 5 m chuyển từ nước ngoài về cũng phải kiểm theo Thông tư 37/2015 hàng chục lần mới xong, gây khó khăn cho DN.

Đến ngày 26-9-2016, Bộ Công Thương đã gửi văn bản cho Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông báo sẽ giải quyết kiến nghị theo hướng bãi bỏ Thông tư 37/2015. Tháng 10-2016, bộ này đã trình Chính phủ một dự thảo thông tư và đề nghị các bộ liên quan phối hợp giải quyết. Bộ cũng thừa nhận rằng “chi phí giám định hàm lượng formaldehyt vẫn còn tốn kém và mất thời gian”.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký Thông tư 23/2016 bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 26-11-2016.

Nhưng có lẽ đời không phải màu hồng. Tháng 10-2017, Bộ Công Thương lại ban hành Thông tư 21/2017. Theo đó, tất cả sản phẩm dệt may khi đưa ra thị trường phải công bố quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo và dán nhãn hợp quy. Thông tư này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-5-2018.

Khổ sở vì hàm lượng formaldehyt! - ảnh 1
Các công ty kinh doanh sản phẩm dệt may, thời trang kêu trời vì quy định hợp chuẩn, hợp quy.  Ảnh: HOÀNG GIANG

Mừng hụt

Nhiều DN tỏ ra lúng túng, thậm chí có những DN còn chưa biết về quy định này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến gần đến ngày thực hiện chính thức, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 07/2018 lùi thời hạn áp dụng Thông tư 21/2017 về kiểm tra formaldehyt sang thời điểm 1-1-2019.

Tuy vậy, đại diện nhiều công ty phản ánh những khó khăn trong việc thực hiện Thông tư 21, bởi theo thông tư này: Hàng dệt may từ ngày 1-1-2019 phải công bố hợp quy tại Sở Công Thương địa phương. Để kịp công bố cho tất cả hàng hóa lưu thông trên thị trường vào thời điểm trên, không ít công ty dệt may đã tiến hành công bố từ tháng 5-2018. Nhưng có quá nhiều vướng mắc bất cập.

Trong đơn gửi Sở Công Thương TP.HCM, bà Trịnh Thị Vân Anh, Trường phòng Logistics, Công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam, thắc mắc về việc công bố hợp quy. Bà Vân Anh cho hay: Công ty chuyên nhập khẩu và phân phối sản phẩm thời trang. Do đặc thù kinh doanh, mỗi lô hàng nhập về có nhiều loại mã sản phẩm, số lượng lên đến 2.000 mã sản phẩm mỗi lô hàng.

“Vậy để thực hiện đúng Thông tư 21/2017, sau khi có xác nhận hợp quy, chúng tôi sẽ tiến hành nộp hồ sơ công bố cho Sở Công Thương TP.HCM như thế nào? Chúng tôi có thể nộp một bộ hồ sơ công bố cho một lô hàng và đính kèm danh sách 2.000 mã sản phẩm; hay chúng tôi phải nộp 2.000 bộ hồ sơ công bố cho 2.000 mã sản phẩm của lô hàng?” - đại diện Công ty Mitra Adiperkasa Việt Nam nêu thắc mắc.

Trả lời cho câu hỏi, Bộ công thương giải đáp việc công bố hợp quy áp dụng cho sản phẩm dệt may (Công bố cho từng sản phẩm, nêu rõ tên gọi, kiểu, loại, nhãn hiệu, mã sản phẩm, số lượng sản phẩm, nhóm sản phẩm và đặc trưng kỹ thuật của sản phẩm công bố hợp quy). Do đó, doanh nghiệp phải công bố hợp quy cho từng sản phẩm cụ thể tương ứng với từng mã sản phẩm và số lượng sản phẩm cụ thể.

Phản hồi này dẫn tới phản ứng vì nếu công bố hợp quy cho từng sản phẩm thì phải mất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị 1.000 cho đến 10.000 hồ sơ cho mỗi lô hàng?

Nhiều DN kinh doanh sản phẩm dệt may tại TP.HCM cũng phản ánh với Pháp Luật TP.HCM “Chúng tôi nộp hồ sơ lên thì bị trả về với lý do vì Sở yêu cầu làm theo sản phẩm chứ không theo lô hàng” - đại diện một DN bức xúc.

Bộ nói một đường, Sở bảo một nẻo

Một công ty dệt may kể: Hồi tháng 3-2017, Bộ Công Thương tổ chức tập huấn về Thông tư 21/2017 ở nhiều nơi. Khi ấy, nhiều DN cũng có ý kiến về việc hàng tồn kho thuộc nhiều lô hàng khác nhau. Nếu đi lấy mẫu thì không DN nào chịu cho nổi vì quá tốn phí thời gian, công sức và chi phí.

Đại diện Bộ Công Thương khi đó cho hay: Quan điểm của thông tư là coi hàng tồn kho là một lô hàng nên chỉ cần làm một hồ sơ công bố. Một số DN từng liên hệ Bộ Công Thương để hỏi vấn đề này và Bộ vẫn khẳng định quan điểm công bố theo lô hàng.

“Nhưng khi chúng tôi làm theo quan điểm của Bộ Công Thương thì Sở Công Thương lại không đồng ý với lý lẽ rằng: Bộ chỉ nói miệng ở buổi tập huấn như thế chứ không có văn bản nào cả nên Sở không có cơ sở giải quyết” - một DN nói. Theo tìm hiểu của phóng viên, vì lý do trên, hiện nay nhiều DN kinh doanh sản phẩm dệt may đã nộp hồ sơ các Sở Công Thương nhưng chưa thể hoàn thành thủ tục. Như vậy, dù được lùi thời hạn áp dụng quy định kiểm tra formaldehyt nhưng các DN kinh doanh sản phẩm dệt may đang đứng trước nguy cơ… vi phạm pháp luật bất kể lúc nào. Nguyên nhân do việc công bố hợp quy cho sản phẩm có nguy cơ không thể hoàn thành trước khi đưa sản phẩm ra tiêu thụ.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị bỏ hẳn quy chuẩn về formaldehyt. Nhưng rồi cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào các nghị định để ban hành thông tư về vấn đề này, trong khi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa không quy định. Còn thực tế từ trước tới nay, việc vi phạm về hàm lượng formaldehyt là rất nhỏ, dưới 1%. Vậy mà Nhà nước lại phải có một bộ máy lớn để kiểm tra thì không hợp lý lắm”.

Logistics cũng… sốt ruột

Ngay từ hồi tháng 4-2018, trước khi Thông tư 21/2017 dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-5, Hiệp hội DN Logistics Việt Nam đã có văn bản kiến nghị về vấn đề này. Hiệp hội này nhận định: Sau khi bãi bỏ những thông tư trước đó về kiểm tra hàm lượng formaldehyt, Bộ Công Thương lại ban hành Thông tư 21/2017 về hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm dệt may trước khi tiêu thụ trên thị trường. Thời gian kiểm tra kéo dài khiến cơ hội bán sản phẩm chiến lược của ngành may mặc không theo kịp xu thế, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội kinh doanh của DN.

Từ đó, Hiệp hội Logistics kiến nghị: Đối với những hàng hóa có cùng model và nhà sản xuất đạt chất lượng hợp quy ở lần nhập khẩu đầu tiên thì xem xét miễn kiểm tra chất lượng hợp quy; thực hiện cơ chế chấp nhận chứng nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN, tiến tới cho phép DN tự khai, tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình và thực hiện hậu kiểm.

Nguồn: Báo pháp luật

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/