Đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam tăng trở lại
Thời gian gần đây, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới cho những nhà đầu tư quan tâm đến ngành công nghiệp dệt may, do sức hấp dẫn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết.
Các doanh nghiệp (DN) dệt may trong nước đã trải qua 1 năm nhiều biến động do hàng loạt đơn hàng của nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường để tìm đến những khu vực có một số điểm cạnh tranh hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn chỉnh đốn lại các khâu, từ đầu tư công nghệ đến tiết giảm chi phí và điều chỉnh lại những chính sách bất cập, Việt Nam đã sớm lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư ngoại. Các nhà đầu tư vào ngành dệt may trong nước khởi sắc, đồng thời các đơn hàng lớn cũng quay trở lại Việt Nam.
Đạt được điều này là do ngành dệt may Việt Nam có ưu thế là chất lượng sản phẩm cao, các DN có thể thực hiện nhiều đơn hàng khó và thời gian giao hàng nhanh. Vì thế, các đối tác sau một thời gian dịch chuyển đơn hàng qua các nước khác thấy không đảm bảo về chất lượng, thời gian giao hàng, cộng với những thay đổi của DN trong nước nên đã quay trở lại.
Nổi bật gần đây là thương vụ Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã chi 5 tỷ yen (khoảng 47 triệu USD) để mua thêm gần 10% cổ phần Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu tại Vinatex lên gần 15%. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Bermuda) có giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc tại Khu công nghiệp VSIP II-A (Bình Dương), với vốn đăng ký 25 triệu USD.
Trước đó, Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) cũng đã chi hàng trăm triệu USD cho dự án vải, hóa sợi trong Khu công nghiệp Bàu Bàng, đồng thời tiếp tục ký hợp đồng thuê thêm đất với diện tích lớn ở đây để mở rộng đầu tư.
Khu vực phía Bắc, Công ty TNHH Herberton (Singapore) triển khai dự án đầu tư nhà máy dệt và may trang phục Ramatex tại tỉnh Nam Định, tổng giá trị đầu tư khoảng 80 triệu USD. Dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động vào năm tới với công suất 25.000 tấn vải các loại, 15 triệu sản phẩm trang phục/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Dự báo, các dự án dệt may sẽ tiếp tục dịch chuyển đến Việt Nam trong thời gian tới. Đến nay, phần lớn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đầu tư vào lĩnh vực sợi, may và phụ liệu.
Nguồn: Trung tâm thông tin công nghiệp & TM BCT