Hồ sơ đối thủ cạnh tranh: Ngành Dệt May Ấn Độ
Với lợi thế cạnh tranh chính là tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, Ấn Độ khẳng định được vị trí thuộc tốp 5 quốc gia sản xuất và xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.
Tổng quan ngành Dệt May Ấn Độ
Tổng trị giá ngành Dệt May Ấn Độ năm 2016 đạt 137 tỷ USD, trong đó sản xuất dành cho tiêu thụ nội địa đạt 101,58 tỷ USD và xuất khẩu đạt 35,42 tỷ USD. Mục tiêu mà ngành Dệt May Ấn Độ đặt ra đến năm 2021 là giá trị sản xuất toàn ngành sẽ đạt 223 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hướng tới mục tiêu 82 tỷ USD.
Ngành Dệt May Ấn Độ đóng góp cho GDP vào khoảng 6% (năm 2016), chiếm 14% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp, và đóng góp 13% trên tổng kim ngạch xuất khẩu Ấn Độ. Sau nông nghiệp, dệt may là ngành tạo công ăn việc làm lớn thứ hai cho nền kinh tế Ấn Độ với 45 triệu lao động trực tiếp và 68 triệu lao động gián tiếp (năm 2016). Trong kế hoạch 12 năm phát triển ngành, Chính phủ Ấn Độ đã dành 4,25 tỷ USD cho các Quỹ thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành dệt may.
Cơ cấu sản xuất
Điểm mạnh cơ bản của ngành Dệt May Ấn Độ nằm ở việc quốc gia này tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, sản xuất đa dạng từ xơ/sợi tự nhiên như cotton, jute, silk, len cho đến các loại xơ/sợi nhân tạo như PE, viscose, nylon và Acrylic.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ - USDA, với diện tích gieo trồng 12,4 triệu héc-ta và sản lượng 6,3 triệu tấn bông vào năm tài khóa 2017, Ấn Độ là quốc gia sản xuất bông hàng đầu thế giới, trong đó 5,26 triệu tấn được dành cho tiêu thụ trong nước.
Ngành dệt Ấn Độ chiếm tới 24% tổng số lượng cọc sợi thế giới, và 8% tổng lượng rotor toàn thế giới, đồng thời cũng đóng vai trò là nước sản xuất lớn nhất thế giới về hàng jute, nước sản xuất lớn thứ hai thế giới mặt hàng silk và cotton, nước sản xuất lớn thứ 3 thế giới về xơ cellulo. Về mặt hàng sợi xơ ngắn và xơ dài nhân tạo, Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới.
Sản xuất cotton: Sản xuất cotton ở Ấn Độ tăng từ mức 28 triệu kiện năm tài khoá 2007 lên mức 35,2 triệu kiện năm tài khóa 2016. Trong giai đoạn 2007-2016, sản lượng cotton tăng trung bình mỗi năm 2,6%.
Sản xuất xơ nhân tạo: Sản lượng xơ nhân tạo trong giai đoạn 2007-2016 trên đà tăng. Năm tài khóa 2007 sản lượng đạt 1,14 triệu tấn, đến năm tài khóa 2016 sản lượng đạt 1,34 triệu tấn.
Sản xuất sợi: Sản lượng sản xuất sợi đạt mức tăng trưởng trung bình 3,75%/năm trong giai đoạn năm tài khóa 2011-2017. Sợi bông chiếm đa số trong sản lượng sản xuất sợi hàng năm tại Ấn Độ, chiếm 71,44% trên tổng sản lượng sợi của năm tài khóa 2017.
Sản xuất vải: Sản lượng vải tăng từ mức 52,66 tỷ m2 quy đổi năm tài khóa 2008 lên tới 64,58 tỷ m2 năm tài khóa 2016, đạt sức tăng trưởng trung bình 2,53%.
Xuất khẩu dệt may Ấn Độ
Các mặt hàng dệt may xuất khẩu chủ yếu của Ấn Độ là hàng may mặc, cotton và các chế phẩm từ cotton. Hàng dệt xuất chủ yếu là cotton; sợi cotton với hơn 85% trọng lượng là cotton; vải cotton với hơn 85% trọng lượng là cotton và trọng lượng nhỏ hơn hoặc bằng 200g/m2; sợi xơ dài tổng hợp; áo Tshirt dệt kim hoặc móc, hàng suit nam/nữ, áo blazer nữ/bé gái, áo kiểu nữ các loại, áo nam các loại, quần áo thể thao, hàng dệt gia dụng; quần áo trẻ em dệt kim hoặc móc.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Ấn Độ là EU, Mỹ, Ả Rập, Bangladesh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, trong đó xuất khẩu năm 2017 tới EU là 9,59 tỷ USD, tới Mỹ là 7,78 tỷ USD, tới Ả Rập là 4,1 tỷ USD, tới Bangladesh là 2,25 tỷ USD, tới Trung Quốc là 1,51 tỷ USD.
Những doanh nghiệp lớn trong ngành Dệt May Ấn Độ
Các vùng sản xuất dệt may chính tại Ấn Độ
Đầu tư nước ngoài ngành Dệt May Ấn Độ
Đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ vào lĩnh vực dệt may Ấn Độ, với tổng mức đầu tư năm tài khoá 2010 là 817,2 triệu USD và đạt 2,41 tỷ USD vào năm tài khóa 2017. Tăng trưởng hàng năm về FDI trong ngành Dệt May Ấn Độ giai đoạn 2010-2017 đạt trung bình 16,7%.
Những thương hiệu trên thế giới đã đặt cơ sở sản xuất tại Ấn Độ như Hugo Boss, Liz Claiborne, Diesel &Kanz.
Hồng Hạnh/(Dịch từ Quỹ Tài sản thương hiệu Ấn Độ - IBEF)
Nguồn: Vinatex.com