Khẳng định vị thế ngành dệt may: Xuất khẩu đạt gần 22 tỷ USD trong 6 tháng

Trong 6 tháng đầu năm, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 22 tỷ USD, tăng 2,3 tỷ USD (tương ứng 10%) so cùng kỳ năm trước. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 8,77 tỷ USD, tăng 17,1%; EU 2,36 tỷ USD, tăng 14,8%; Nhật Bản 2,24 tỷ USD, tăng 12,4%…

Kết quả này có được nhờ sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường biến động, nhất là bất ổn địa chính trị, xung đột leo thang ở nhiều khu vực làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng chi phí vận chuyển hàng hóa.

Cùng với đó, “bóng đen” chính sách thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bao phủ toàn cầu. Mặc dù vẫn đang trong thời gian tạm hoãn để đàm phán, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1/8 tới, nhưng việc Mỹ áp thêm 10% thuế đối xử tối huệ quốc (MFN) đã gây ra nhiều khó khăn đối với các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Nhằm tận dụng cơ hội từ thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu đều tập trung sản xuất trước khi những chính sách thuế mới từ Mỹ được thực thi, khiến thị trường có thể đảo chiều.

Thời gian qua, các đối tác, khách hàng đánh giá rất cao ngành dệt may Việt Nam trong việc vượt khó, duy trì đà tăng trưởng cao, nhất là việc doanh nghiệp chia sẻ thông tin, có chiến lược riêng để tìm ra nút thắt nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Giữ nhịp xuất khẩu dệt may

Không chỉ vậy, việc xuất khẩu sang 132 quốc gia, vùng lãnh thổ đã chứng tỏ vị thế của ngành dệt may nước ta trên bản đồ thế giới. Hiện tại, các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 9 và đang đàm phán cho đợt cuối năm. Doanh nghiệp cũng luôn xác định tâm thế sẵn sàng huy động tổng lực phục vụ chiến dịch sản xuất “thần tốc” nhằm đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng cũng như tận dụng tối đa lợi thế về thuế quan, nhằm tối ưu lợi nhuận, tạo nguồn dự phòng phục vụ nhu cầu sản xuất trong tương lai.

Với mức tăng trưởng hơn 10% như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 7 được dự báo sẽ có bước đột phá về tỷ trọng xuất khẩu và là tiền đề quan trọng để ngành hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 46-47 tỷ USD cả năm. Tuy nhiên, muốn điều này trở thành hiện thực, doanh nghiệp phải tận dụng hiệu quả lợi thế từ 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có hiệu lực mang lại; có giải pháp thích ứng những biến đổi về hoàn cảnh, điều kiện thể chế, do một số nước lớn đang bất đồng về quan điểm kinh tế, thương mại.

 

Doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, không ngừng nâng cao trình độ tay nghề người lao động, nhanh chóng chuyển dịch phương thức sản xuất từ CMT (may gia công) sang FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (sản xuất thiết kế gốc), OBM (sản xuất thương hiệu gốc),... để tăng giá trị sản phẩm, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng.

Ngoài nỗ lực tự thân, doanh nghiệp cần được hỗ trợ qua việc tạo ra các kênh thông tin tiếp cận, phát triển thị trường; khai thác hiệu quả chính sách xuất, nhập khẩu, thanh toán,... để hạn chế rủi ro, tránh bất lợi từ sự thay đổi cơ chế, chính sách do một số thị trường lớn mang lại.

Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, thuế, phí, đất đai, xây dựng các khu, cụm công nghiệp hiện đại nhằm kêu gọi doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư theo chuỗi, nhanh chóng giảm phần cung nguyên vật liệu thiếu hụt phục vụ sản xuất trong nước.

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

TRỞ THÀNH HỘI VIÊN AGTEK - MỞ RỘNG MẠNG LƯỚI - PHÁT TRIỂN KINH DOANH CỦA BẠN - GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM BỀN VỮNG 

 

  • Address: Phòng 8 - Lầu 15 - 285 Cach Mạng Tháng Tám, p.12, Quận 10, TP.HCM 
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/