Dệt may cần “tăng tốc” để cán đích 35 tỷ USD
Các doanh nghiệp dệt may đang tăng tốc với hy vọng cán đích kim ngạch xuất khẩu cả năm ở mức 35 tỷ USD.
Đến thời điểm này, ngành dệt may đã có 5 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Mỹ vẫn dẫn đầu trong số các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam lớn nhất, với giá trị đạt 12,8 tỷ USD; thị trường Nhật Bản với 3,2 tỷ USD; thị trường Trung Quốc đạt 3,2 tỷ USD…
Tăng trưởng cao nhất trong 5 năm
Theo thông tin được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017.
Doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu dành một nguồn lực đầu tư lớn vào các công nghệ hiện đạị.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Vitas cho biết: Về thị trường xuất khẩu, những thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Xét ở khía cạnh mặt hàng, trong nửa đầu năm, có 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là áo thun, quần và áo jacket. Các mặt hàng có giá trị xuất khẩu tương đối cao, từ 700 triệu USD trở lên gồm có: Váy, quần áo trẻ em, vải, quần soóc… "Đáng chú ý, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu cũng khá khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng đến hết năm. Một số doanh nghiệp đạt kết quả xuất khẩu điển hình là: Công ty TNHH May Tinh Lợi, Tổng công ty CP may Việt Tiến, Công ty TNHH Worldon (Việt Nam)…", ông Cẩm nói.
Đánh giá về tăng trưởng xuất khẩu dệt may đạt được trong nửa đầu năm, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, đây là con số khá ấn tượng, cao nhất trong nửa đầu năm của 5 năm trở lại đây. Kết quả này không tự nhiên mà có. Theo ông Giang, đó là nhờ cộng đồng doanh nghiệp đã thích ứng được với sự chuyển dịch thị trường. Kết cấu thị trường xuất khẩu dệt may chuyển dịch nhanh, không bị phụ thuộc vào 1 thị trường. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang có giải pháp thay đổi kết cấu mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng giá trị gia tăng cao, chịu được áp lực đòi hỏi của thị trường. Nhờ vậy, giá trị gia tăng trong xuất khẩu dệt may nói chung được nâng lên.
"Ngoài các yếu tố trên, yếu tố tác động đến xuất khẩu dệt may nửa đầu năm là giải pháp về công nghệ. Tại Việt Nam hiện nay, dệt may là một trong những ngành công nghiệp bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khá nhanh. Ví dụ, hiện đã có nhiều nhà máy dệt may đầu tư vào thiết bị công nghệ hiện đại, đầu tư vào robot", ông Giang nhấn mạnh.
Cần nỗ lực "về đích"
Đánh giá về triển vọng nửa cuối năm 2018, theo Chủ tịch Vitas, với tốc độ tăng trưởng này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nửa cuối năm ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Nguồn: enternews.vn