Các 'ông lớn' thời trang quốc tế cần hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng xanh
Một báo cáo mới của liên minh phi lợi nhuận Cascale và Viện Apparel Impact kêu gọi các công ty thời trang đang hoạt động hoặc có nhà cung cấp tại Việt Nam cần hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng than sang năng lượng tái tạo.
Ngành hàng may mặc và giày dép hiện chiếm khoảng 15% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành này cũng tiêu thụ tới 8% tổng nhu cầu năng lượng công nghiệp của cả nước và thải ra khoảng 5 triệu tấn CO₂ mỗi năm.
Theo báo cáo, 12% các nhà máy sản xuất trong ngành này vẫn sử dụng than để vận hành, số còn lại chủ yếu dùng điện hoặc đốt sinh khối. Nhưng ngay cả đốt sinh khối cũng gây ra những vấn đề môi trường riêng, như tăng nguy cơ phá rừng, và nếu tính cả lượng khí thải sinh học, tác động môi trường còn lớn hơn cả than.
Ngoài ra, tới 94% nhà máy dùng điện lại lấy nguồn điện từ lưới điện quốc gia, trong khi lưới điện này vẫn chủ yếu dựa vào than (chiếm hơn 40% sản lượng điện), theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ điện sử dụng từ năng lượng tái tạo trong ngành thời trang đạt ít nhất 10%. Tuy nhiên, tính đến năm 2022, chỉ mới có khoảng 5% các nhà máy dệt may ở Việt Nam sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch hoặc tái tạo. Tương tự, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2023 sẽ giảm 15% mức tiêu thụ năng lượng và 20% lượng nước sử dụng, nhưng theo Cascale, dữ liệu cập nhật tiến độ vẫn chưa được công khai.
Báo cáo nhấn mạnh rằng các công ty nước ngoài nên thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam để thúc đẩy áp dụng năng lượng tái tạo nhiều hơn. Ngoài ra, các công ty cũng cần đảm bảo rằng nhà cung cấp tuân thủ quy định báo cáo phát thải của Việt Nam, hỗ trợ các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, và đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực – đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ xanh và sản xuất bền vững.
Một bước tiến quan trọng là vào tháng 8/2024, chính phủ Việt Nam đã quyết định mở rộng danh sách các công ty phải theo dõi và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính, trong đó có gần 100 doanh nghiệp trong ngành dệt may và giày dép.
Trung Việt