Dệt may nỗ lực thích ứng với chính sách thuế mới

Thị trường Mỹ chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, bất kỳ biến động chính sách nào từ quốc gia này đều tác động đến toàn ngành. Trong bối cảnh hai nước đang đàm phán về thuế đối ứng, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực thích ứng bằng cách đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung, xanh hóa sản xuất…

Cấp tốc hoàn thiện đơn hàng

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tạm hoãn 90 ngày áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ hàng chục đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - với hơn 60.000 lao động, đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của toàn thể ban lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên để cập nhật tình hình thực tế, xây dựng kịch bản cho thời gian tới.

Theo các đơn vị thành viên, sau khi có tin tạm hoãn áp thuế, các khách hàng đã thúc đẩy tiến độ sản xuất và giao hàng, yêu cầu hoàn tất đơn hàng trong vòng 90 ngày tới. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng giải pháp ứng phó trong ngắn và dài hạn, tập trung vào đàm phán với khách hàng trên tinh thần chia sẻ, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tối ưu hóa quản trị sản xuất, đẩy nhanh tốc độ sản xuất các đơn hàng đã ký trong quý II.2025.

Lãnh đạo Vinatex yêu cầu các đơn vị cần kích hoạt cơ chế phối hợp chặt chẽ như giai đoạn Covid-19, từ phương thức làm việc, phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin, dự phòng cho kịch bản thị trường xấu nhất; quyết tâm về đích các đơn hàng của quý II trong 90 ngày (trước 5.7.2025). Đồng thời, Ban Sản xuất kinh doanh may chủ trì tìm hiểu chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, ưu tiên sử dụng nguồn vải của các doanh nghiệp trong hệ thống tập đoàn nếu đạt yêu cầu về chất lượng, hỗ trợ doanh nghiệp phân loại từng mặt hàng, thị trường nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các chính sách thuế mới để có cơ sở đàm phán với khách hàng và tìm kiếm hướng đi phù hợp. Tập đoàn cũng tập trung chỉ đạo sát sao yêu cầu minh bạch về quy tắc xuất xứ, tuân thủ các quy định về chống gian lận thương mại; tiếp tục định hướng doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường để tránh phụ thuộc vào một số thị trường đã có.

 

Không riêng Vinatex, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành dệt may cũng khẩn trương xây dựng các kịch bản ứng phó với chính sách thuế mới. Bởi lẽ, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của nước ta, với 38% tổng kim ngạch trong năm ngoái (đạt 16,6 tỷ USD), nên bất kỳ biến động chính sách nào từ thị trường này đều tác động đến toàn ngành.

Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh Phạm Văn Việt cho biết, ngay khi có thông tin Mỹ chuẩn bị áp thuế đối ứng với Việt Nam, các doanh nghiệp đã nhóm họp để trao đổi, chia sẻ thông tin, bàn cách ứng phó. Với các đơn hàng đang trên đường sang Mỹ vẫn theo kế hoạch, còn với các đơn hàng đang sản xuất để xuất khẩu sang Mỹ sẽ được đẩy nhanh tiến độ tận dụng thời gian tạm hoãn áp thuế. Song song, các doanh nghiệp đã và đang chủ động tìm thị trường ngách, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu…

Quản lý chặt chứng nhận xuất xứ

Còn gần 3 tháng nữa để các doanh nghiệp dệt may xoay xở, từ việc đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa nguồn cung, song đại diện doanh nghiệp thừa nhận khó khăn, thách thức vẫn rất lớn.

 

Hiện, ngành dệt may trong nước mới tự chủ khoảng 30 - 40% nguyên liệu, còn lại là nhập khẩu. Việc nâng cao tính tự chủ hoặc tìm nguồn cung thay thế đòi hỏi thời gian dài, tính bằng năm. Vì vậy, các doanh nghiệp hy vọng kết quả đàm phán với Mỹ sẽ tích cực, qua đó giúp giảm thiểu nguy cơ áp thuế cao sau thời hạn 90 ngày. Nếu không, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu, việc làm của khoảng 3 - 4 triệu lao động, cũng như đến khả năng giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo VITAS, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào dệt may Việt Nam với vốn đăng ký trên 30 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Ông Phạm Văn Việt kiến nghị cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát và kiểm soát chặt chẽ quy trình cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, các cơ quan thương vụ và Bộ Ngoại giao cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Về lâu dài, phải đa dạng chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thông qua xây dựng chính sách quy hoạch vùng dệt may, từ nguyên liệu đến sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng; xây dựng trung tâm giới thiệu nguyên phụ liệu để các doanh nghiệp kết nối cùng phát triển.

Ngành dệt may hiện đã bước đầu ứng dụng số hóa, xanh hóa, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, song các chính sách hỗ trợ vẫn còn thiếu. Do vậy, cần có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình xanh hóa, số hóa. Đồng thời, cần xây dựng trung tâm thời trang để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thích ứng thị trường; xây dựng trung tâm bán hàng, kết hợp với ngành du lịch, để thu hút khách du lịch và xuất khẩu tại chỗ.

Một giải pháp quan trọng nữa được ông Việt chỉ ra là cần phát triển thương hiệu Việt để phục vụ thị trường trong nước - thị trường ổn định và lâu dài nhất. “Lâu nay, chúng ta chỉ lo xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước bị hàng giả, hàng nhái, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước”, ông Việt nhấn mạnh.

Đại diện VITAS khuyến nghị doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ, cần tỉnh táo, chủ động cập nhật diễn biến chính sách, hợp tác chặt chẽ với các nhà mua hàng và đối tác để cùng tìm giải pháp, chia sẻ rủi ro, lợi ích. Đặc biệt là đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường có tiềm năng mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), thị trường Halal, Nam Mỹ… Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW để nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với biến động và yêu cầu thị trường.

 

VITAS cũng kiến nghị, bên cạnh việc đàm phán với Mỹ về chính sách thuế mới, Nhà nước cần xúc tiến nhanh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada hoặc có thể khởi động đàm phán hiệp định song phương Việt Nam - Canada để có thể quy định xuất xứ hai công đoạn mà dệt may Việt Nam và Canada cùng quan tâm, thay vì 3 công đoạn trong CPTPP mà hai nước là thành viên. Đồng thời, rà soát ban hành mới và duy trì các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm các khoản đóng góp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp vượt qua giai đoạn khó khăn.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: Phòng 8 - Lầu 15 - 285 Cach Mạng Tháng Tám, p.12, Quận 10, TP.HCM 
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/