Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 46%: Doanh nghiệp đẩy nhanh xuất khẩu vào Mỹ

VOV.VN - Các doanh nghiệp cần tận dụng thời gian 90 ngày tạm dừng áp thuế đối ứng 46% để thúc đẩy xuất khẩu vào Mỹ, đồng thời đàm phán, tính toán với khách hàng để chia sẻ rủi ro, điều tiết chi phí sản xuất lâu dài sao cho hiệu quả nhất.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới có thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia đối tác thương mại, đồng thời giảm đáng kể thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này. Động thái đó đã làm giảm áp lực thương mại cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, khi mức thuế hàng hóa vào Mỹ bị áp lên tới 46%.

Thuế dệt may vào Mỹ vẫn ở mức 28%

Dệt may là lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi chính sách thuế quan của Mỹ. Các doanh nghiệp (DN) trong ngành này dự báo, trước mắt, việc tăng thuế suất có thể gây ra một số tác động làm giảm nhu cầu tại thị trường Mỹ. Song về lâu dài, các DN cần có các giải phải mang tính bền vững như đa dạng hóa thị trường, tăng cường công tác quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua quản trị thông minh và tăng năng suất lao động, chủ động đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ khó khăn.

Thông tin cụ thể hơn về chính sách thuế từ Mỹ đối với DN dệt may, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, mặc dù Mỹ hoãn áp mức thuế đối ứng 46% trong 90 ngày nhưng vẫn áp thuế bổ sung 10%. Đối với hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ hiện đang được áp thuế tối huệ quốc (MFN) khoảng 18%, nay cộng thêm 10% mức thuế sẽ lên 28%.

 

Với mức thuế này mặc dù không nặng nề như mức thuế 46%, nhưng ông Cầm nhận định nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm, dẫn tới xuất khẩu dệt may nói chung, đặc biệt là hàng may mặc nói riêng sang Mỹ thời gian tới sẽ sụt giảm. Chính vì thế, các DN cần tận dụng thời gian 90 ngày hoãn thuế để thúc đẩy xuất khẩu nhanh các đơn hàng theo hợp đồng sang Mỹ.

“Các DN phải đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán để chia sẻ rủi ro về mức thuế 10% hiện tại, cũng như các vấn đề về thuế sau thời hạn 90 ngày để điều tiết chi phí sản xuất sao cho hiệu quả nhất. Qua trao đổi giữa các DN trong ngành dệt may với các đối tác thấy rằng, xu hướng chung là các đối tác sẽ tìm cách đàm phán, chia sẻ một phần thuế tăng thêm với các nhà sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh... nhưng các nhà sản xuất sẽ phải giảm một phần giá bán nên ảnh hưởng đến lợi nhuận”, ông Cầm đánh giá.

Đối với các DN dệt may, ông Cầm khuyến cáo, khoảng thời gian hoãn thuế 90 ngày là cơ hội để các DN tích cực khai thác, tìm kiếm thêm các thị trường mới thay thế tiềm năng như Canada, ASEAN,… để bù đắp khi thị trường Mỹ giảm nhu cầu.

“Trong bối cảnh hầu như toàn bộ các quốc gia bị đánh thuế bất ngờ sẽ dẫn tới thị trường toàn cầu, chuỗi cung ứng tương đối náo loạn, nhưng đây cũng là cơ hội để DN sắp xếp thị trường. DN xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể kết nối lại với các khách hàng chưa hiệu quả, hoặc các đối tác trước đây DN chưa thực sự để tâm, dựa trên lợi thế cạnh tranh của DN như năng lực đáp ứng đơn hàng lớn, sản xuất nhanh…”, ông Cầm lưu ý.

3 trụ cột chiến lược

Đánh giá về động thái tạm dừng áp thuế đối ứng của Mỹ, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, dệt may Việt Nam hiện đã có mặt tại gần 104 thị trường xuất khẩu, nhưng Mỹ là thị trường quan trọng, nên chính sách thuế của quốc gia này sẽ tác động đến tăng trưởng ngắn hạn trong năm 2025.

Ông Giang nhận định, sau khi Mỹ tạm hoãn áp thuế bổ sung, tỷ trọng thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ có thay đổi. Hiện Vitas đang khuyến khích các DN tập trung thúc đẩy phát triển thương hiệu, cân đối tỷ trọng tiêu thụ giữa thị trường trong nước cũng như thị trường khối ASEAN. Việt Nam có điều kiện thuận lợi là trung tâm sản xuất trọng điểm của toàn cầu, nên có thể tự tin dù thế giới có những biến động, nhưng với vị thế của Việt Nam cùng sự chủ động của DN, hoàn toàn có thể thích nghi với những diễn biến thay đổi của thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên về lâu dài, ngành dệt may Việt Nam cần thực hiện chiến lược cụ thể với 3 trụ cột, đó là đa dạng hóa thị trường khách hàng và sản phẩm; làm chủ công nghệ thúc đẩy khả năng thích ứng; chủ động thích ứng về thuế quan cũng như các chính sách mới về môi trường, pháp luật trong giao dịch ký kết hợp đồng cũng như thanh toán.Phân tích rõ hơn về điều này, ông Giang chỉ ra những giải pháp cụ thể. Đó là cùng với việc đa dạng hóa thị trường, DN dệt may cần đa dạng hóa khách hàng cũng như các mặt hàng xuất khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường trọng điểm. Cùng với đó, các DN dệt may cần tập trung vào công nghệ cũng như chuyển đổi số, robot hóa dây chuyền sản xuất đáp ứng sự đa dạng về đơn hàng đòi hỏi thời gian ngắn hơn, chất lượng khắt khe hơn. Các DN cũng cần phát triển khả năng Xanh hóa bền vững theo những quy định của nhiều thị trường đặt ra đối với Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.

“Không còn con đường nào khác, ngành dệt may phải bước tiếp bằng sự chủ động không phụ thuộc vào 1 thị trường. Tập trung giải quyết vấn đề căn cơ là xây dựng thương hiệu, nhãn hàng Việt Nam của ngành công nghiệp thời trang khi đưa ra thị trường toàn cầu, bằng việc đăng ký thương hiệu với tầm nhìn trong 5 - 10 năm tới phải có bao nhiêu thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam có mặt trên thế giới. Mỗi DN cần phải tạo được sân chơi cho mình, tìm cách tháo nút thắt cũng như xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ hơn nữa sau những bài học về thuế quan cũng như các chính sách mới về môi trường, để củng cố xu hướng thời trang bền vững của toàn cầu, loại bỏ tư tưởng thời trang nhanh”, ông Giang đưa ra giải pháp.

Theo VOV.VN

 
 
 
 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: Phòng 8 - Lầu 15 - 285 Cach Mạng Tháng Tám, p.12, Quận 10, TP.HCM 
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/